Bên cạnh những làng nghề truyền thống như Gốm Bát Tràng, Làng rối nước Đào Thục, làng Kiêu Kị – dát vàng quỳ, làng Cót – vàng mã, Làng La Khê – the lụa, dệt … xem thêm…lụa Vạn Phúc, làng kim hoàn Định Công, làng Cự Khê với nghề làm miến, làng Vòng với sản phẩm cốm, làng Phú Đô với bún thì hiện nay Hà Nội có thêm những làng nghề mới như làng nghề gốm sứ Giang Cao, làng nghề Tranh Khúc – bánh chưng, làng nghề nuôi Rắn Lệ Mật, làng nghề Vạn Điển,… Hãy cùng Toplist tìm hiểu trong bài viết sau đây bạn nhé.
Làng nghề gốm sứ Giang Cao
Làng Giang Cao thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Gốm Bát Tràng từ xưa đã nổi tiếng trong và ngoài nước, gốm làng Giang Cao được coi như “sinh sau đẻ muộn” lại tìm cho mình một hướng đi riêng với các sản phẩm gốm phục vụ cho lĩnh vực tâm linh. Đến nay người dân của Giang Cao đã tạo ra được sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường với các sản phẩm đa dạng nhiều chủng loại, nhiều màu sắc chất lượng độc đáo và chuyên sâu vào làm gốm ứng dụng trong kiến trúc và mỹ thuật. Nhiều dòng gốm của làng nghề men rạn, men co, men ngọc… được thực hiện trên các sản phẩm như lọ hoa, đồ thờ, các hình con giống và đặc biệt sản phẩm tranh gốm thực sự gây ấn tượng mạnh với khách du lịch.
Những nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao sản xuất rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vừa theo nhu cầu của thị trường, vừa sáng tạo nghệ thuật theo sở thích cá nhân. Những dòng sản phẩm chủ yếu là sản phẩm phục chế, phục cổ, sản phẩm gia dụng cao cấp. Một số người phát triển hướng làm gốm sứ theo dòng mỹ thuật cao cấp, có người theo dòng sản phẩm phục vụ đời sống tâm linh…
Không chỉ sản xuất và bày bán trong làng, các nghệ nhân làng Giang Cao cũng góp công sức xây dựng các công trình kiến trúc lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội. Nhiều mặt hàng của làng đã được xuất khẩu tới các quốc gia và không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường nội địa. Hàng năm, trong các chương trình hội chợ, triển lãm, cuộc thi sáng tác phát triển sản phẩm công nghệ nông thôn, câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi làng Giang Cao đều đăng ký tham dự, giành được nhiều giải cao và giấy khen, bằng khen của thành phố Hà Nội.
Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc
Bánh chưng từ xa xưa tới nay là món ăn không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên và trong các mâm cỗ của mỗi gia đình người Việt trong dịp Tết cổ truyền. Làng nghề truyền thống làm bánh chưng Tranh Khúc (Tân Hà, Duyên Hải, Thanh Trì) là làng nghề nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, nơi mà mỗi ngày hàng nghìn chiếc bánh được xuất đi khắp nơi trong Hà Nội, các tỉnh lân cận và nước ngoài. Đến với Tranh Khúc dịp cuối năm, bạn sẽ bắt gặp thường xuyên màu biếc xanh của lá dong, mùi thơm ngậy của đậu xanh thị mỡ hoà quyện toả ra trên mỗi căn nhà, trong từng ngõ xóm.
Làng nghề gắn liền với sản phảm Bánh chưng xanh – món ăn dân tộc từ sự tích về chàng hoàng tử Lang Liêu thời các Vua Hùng dựng nước và trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Nghề gói bánh của làng có truyền thống tới nay cũng được 3 tới 4 đời. Bánh chưng của làng hầu hết được gói bằng tay xong chiếc nào chiếc ấy vuông hình sắc cạnh trăm cái đều cả trăm. Bánh chưng trước kia được dùng chủ yếu vào dịp Tết xong những năm gần đây bánh được ưa chuộng nên trong làng gói quanh năm. Tuy nhiên về làng những ngày giáp tết từ 20 tháng Chạp đổ đi, dân làng nhộn nhịp vào mùa với lá dong bếp lửa ngày đêm nhằm phục vụ Tết cho bà con thủ đô và các vùng lân cận.
Làng Lệ Mật
Lệ Mật là một làng quê thuộc phường Việt Hưng, quận Long biên, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 7 km về phía Đông Bắc. Làng nổi tiếng về nghề bắt rắn và chế biến đặc sản thịt rắn. Hàng năm, cứ đến ngày 23/3 âm lịch, dân của các vùng xung quanh và khách thập phương lại nô nức về dự hội làng Lệ Mật. Hiện nay, trong làng có hàng trăm hộ nuôi rắn, hàng chục nhà hàng đặc sản rắn và có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được tổ chức rầm rộ hàng năm. Lệ Mật được đánh giá là trung tâm giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới.
Hàng năm trong ngày hội làng người dân còn mở các hội thi rắn như rắn to, rắn đẹp, rắn lạ mắt và các trò vui chơi liên quan tới rắn như múa rắn ngoài ra họ còn tổ chức các buổi phổ biến và truyền lại các kinh nghiệm về nuôi, bắt, cách sử dụng nọc rắn, cách chữa rắn cắn hay các món ăn về rắn.
Tới làng Lệ Mật quý khách có thể thưởng thức các món ăn chuyên về rắn hoặc tìm các sản phẩm liên quan để mang về chữa bệnh như bỏng, khô da, hen suyễn, thấp khớp, động kinh rong huyết. Từ xưa tới nay nuôi rắn là một nghề rất nguy hiểm, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh, người dân làng Lệ Mật nhạy bén cũng chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi kết hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng với đặc sản rắn ngày càng mở rộng để phục vụ người dân trong và ngoài nước.
Làng nghề Vạn Điểm
Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm thuộc xã Vạn Điển, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, xuất thân từ làng nghề buôn bán gỗ, với sự nhạy bén, tinh thần yêu lao động sáng tạo, tỉ mỉ của những người thợ luôn sáng tạo không mệt mỏi đã mang lại một luồng gió mới tới với những người thợ mộc ở Vạn Điểm. Hình thành và phát triển khoảng 20 năm đổ lại xong các sản phẩm được làm ra từ Vạn Điểm luôn được đánh giá là đồ gỗ đẹp, tinh tế sánh ngang hàng với sản phẩm từ các làng nghề mộc nổi tiếng cả nước như La Xuyên – Nam Định, Phú Xuyên – Hà Nội, Sơn Đồng – Hoài Đức.
Xã Vạn Điểm hiện nay có khoảng 2.000 hộ gia đình, trong đó 70% số hộ gia đình làm nghề gỗ. Nghề gỗ là nghề chính của xã, đóng góp 70% tổng thu nhập toàn xã. Cũng giống như các làng nghề khác, các hộ gia đình trong xã tham gia nghề gỗ với vai trò khác nhau, thường chia thành các nhóm hộ gia đình buôn bán, xẻ gỗ, gia công sản xuất và chế biến. Mỗi nhóm hộ gia đình đảm nhận một công đoạn tạo nên các mắt xích trong chuỗi cung ứng từ gỗ nguyên liệu đến sản phẩm gỗ của làng nghề.
Làng nghề tủ bếp Phú An
Làng nghề Phú An nằm ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội mới nổi lên với một cái tên mới “Làng nghề tủ bếp”. Cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía tây, diện tích rộng tập trung hơn 200 xưởng làm tủ với hàng nghìn lao động của các xã, huyện lân cận, tập trung chính vào mặt hàng tủ bếp cung cấp chính cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sản phẩm tủ bếp Phú An đã chiếm được tình cảm của người tiêu dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Không chỉ sản xuất các sản phẩm tủ bếp theo yêu cầu khách hàng, nhiều cơ sơ trong làng còn chuyên nhận tất cả các khâu, từ tư vấn, thiết kế, sản xuất và thi công lắp đặt tủ bếp. Các nguyên liệu sản xuất tủ bếp khá đa dạng, từ tủ gỗ tự nhiên đến tủ gỗ công nghiệp, tủ nhựa… đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường từ bình dân đến cao cấp.
Nhờ sự cẩn thận trong việc lựa chọn gỗ đầu vào và sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng sản phẩm, thương hiệu tủ bếp Phú An được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, sự tiện lợi khi sử dụng và độ bền đẹp theo thời gian. Về làng Phú An hôm nay, ta thấy những dãy nhà khang trang, to đẹp được xây dựng lên, những xưởng đồ gỗ với tiếng máy, tiếng khoan hoạt động đêm ngày, minh chứng cho một làng nghề phát triển thịnh vượng.
Làng nghề giò chả Hoàng Trung
Trước kia, giò chả là món ăn “cao lương mỹ vị” chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết và các gia đình có điều kiện. Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, giò chả trở thành một món ăn phổ biến, bình dân được nhiều người lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày. Trong số các làng nghề làm giò chả của miền Bắc, có một làng nghề tuy được thành lập chưa lâu nhưng đã nổi danh trong nền ẩm thực nước ta, đó là Làng nghề giò chả Hoàng Trung ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Để có được uy tín đó, người làm nghề giò chả ở Hoàng Trung luôn đặt sự an toàn và chất lượng lên đầu, không thêm bất kỳ chất phụ gia nào vào sản phẩm. Trước kia, để làm được một mẻ giò chả phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công khó nhọc, hiện nay, người làng đã áp dụng các thiết bị máy móc trong khâu sản xuất, thay thế cho bếp củi giúp hạn chế ô nhiễm môi trường.
Để làm được khoanh giò ngon, nguyên liệu phải được chọn lựa rất kỹ càng. Thịt để làm giò phải từ lợn khỏe, thịt mổ ra còn tươi, khi cắt, miếng thịt cuốn theo dao. Lá để gói giò phải là lá chuối quê, nếu không chọn lá cẩn thận, khi gói giò sẽ không ngon và nhanh ôi. Giò thành phẩm phải có màu hồng nhạt, cắt khoanh giò phải thấy có các “lỗ hút trạch” và có mùi thơm ngậy.
Sản phẩm chủ yếu của làng Hoàng Trung là giò lụa, chả quế và chả mỡ. Ngoài ra, người làng còn nhập thêm bánh chưng, bánh dày, xôi… để bán kèm. Nghề làm nghề giò chả rất khó nhọc vì phải thức khuya dậy sớm, nhưng nhờ sự chăm chỉ, cần cù, nhiều người dân làng đã vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống của quê hương.
Làng nghề đồ gỗ nội thất mỹ nghệ Châu Phong
Khác với nhiều làng nghề mộc tại Hà Nội thường sản xuất hầu như mọi thứ thì làng nghề gỗ ở Châu Phong lại đi sâu vào các dòng đồ gỗ nội thất mỹ nghệ. Các sản phẩm chủ lực của làng tập trung vào bàn ghế gỗ, tủ gỗ như: bộ bàn ăn gỗ, ghế gỗ, bàn học, bàn làm việc, bàn thờ, tủ thờ, tủ quần áo gỗ,… Chất liệu chính để chế tác những sản phẩm này thường là các loại gỗ quý có độ bền đẹp với thời gian như gỗ sồi, gỗ hương, gỗ lim, gỗ gụ…
Với đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ cao, những người nghệ nhân tài hoa của làng Châu Phong đã tạo ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, được chạm khắc tinh tế, vừa hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Chính điều này đã giúp thương hiệu Làng nghề đồ gỗ nội thất mỹ nghệ Châu Phong nổi tiếng gần xa, được khách hàng trên cả nước biết đến, dù làng nghề mới chỉ phát triển mạnh trong vài chục năm trở lại đây. Hiện nay, khoảng 90% người dân làng đã bỏ hẳn nghề làm nông và chuyên tâm vào nghề mộc.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà nhiều nhiều làng nghề hiện nay đang gặp phải, hầu hết các xưởng ở Châu Phong đều trang bị máy hút bụi cỡ lớn để giảm bớt bụi trong quá trình mài cắt, giúp bảo vệ sức khỏe cho người lao động và tận dụng mùi gỗ cho việc trồng nấm.
Nghề mộc tại Vạn Điển hay gói bánh chưng tại làng nghề Tranh Khúc hay như các nhà hàng đặc sản Rắn ở Lệ Mật, nghề gốm ở Giang Cao đã tồn tại vài chục năm nay. Cho tới thời điểm này đã trở thành làng nghề của cả xã, cả làng làm thay đổi bộ mặt của những con người sống tại nơi đây, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.