Hà Nội thật đẹp, đẹp một cách giản dị mà pha chút hiện đại. Nếu bạn là người con Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được 14 điều tuyệt nhất của thủ đô mà … xem thêm…Toplist kể ra dưới đây.
Lăng Bác
Có thể chắc chắn rằng: Hễ bạn là người Việt Nam, bạn không thể không biết tới nơi này. Nơi mà vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đang nhắm mắt ngủ ngon trong cõi vĩnh hằng, nơi mà có một “mặt trời trong lăng” đang dõi theo từng nhịp điệu cuộc sống, sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Lăng Bác – ngôi nhà vĩnh hằng của chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử luôn được duy tu, tôn tạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ; đón tiếp tận tình, ân cần, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu nặng, đời đời biết ơn đối với con người vĩ đại của một dân tộc luôn khát khao tự do, độc lập.
Có thể nói, lăng Bác như trái tim của thủ đô Hà Nội. Lăng Bác nằm về hướng bắc của trung tâm thủ đô, gần Hồ Tây. Bạn có thể đi xe buýt hoặc taxi để đến lăng. Lăng mở cửa vào buổi sáng, có giờ đóng cửa nghỉ trưa và đóng cửa cả ngày Thứ Hai và Thứ Sáu. Vào cổng miễn phí. Nhớ kiểm tra giờ mở cửa và đến sớm để không phải đợi quá lâu để được viếng Bác.
Căn nhà số 30 Hoàng Diệu
Số nhà 30 Hoàng Diệu là nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống cùng gia đình suốt nhiều thập kỉ qua. Khi Đại tướng từ trần đã có hàng đoàn người đứng xếp hàng dài trên đường Hoàng Diệu chờ vào viếng Đại tướng. Đây có lẽ là một trong những ngôi nhà trong nội thành Hà Nội có nhiều cây xanh nhất, phía trước nhà có khoảnh vườn rộng với những cây cổ thụ luôn hiên ngang nhưng trầm mặc, lặng lẽ trước những đổi thay của đất trời, có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo.
Cũng giống như “mặt trời” kia, căn nhà này là nơi mà một “ngọn đuốc” khổng lồ đã “ngừng sáng” sau hơn bao năm đốt cháy “đám cỏ dại đầy bùn bẩn”. “Ngọn đuốc” ấy cùng với “mặt trời” kia đã thắp sáng lên sự sống cho dải đất hình chữ S.
Đây cũng là nơi mà triệu trái tim khắp Việt Nam đã cùng hướng về. Ngôi nhà ấy sẽ mãi lưu giữ bóng hình của một huyền thoại, một vị đại tướng vĩ đại của người dân Việt Nam. Là nơi vốn rất gần gũi với nhiều người, nhất là các cựu binh, cựu thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ, nhà báo…
Trà đá vỉa hè
Ở Hà Nội một thời, bước ra khỏi nhà, buông chân ra phố đã thấy xốn xang trà đá. Khắp các con phố hay vào sâu các ngõ nhỏ đâu đâu cũng bắt gặp trà đá. Chỉ cần phích nước, một bình trà, một vài chiếc ghế, nụ cười tươi tắn của chủ quán cùng dăm ba câu chuyện, bất kỳ nơi đâu có trà đá đi qua, nơi đó cuộc sống như vui vẻ và thi vị hơn. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn đến không ngờ.
Với người Hà Nội, trà đá vỉa hè như một phần không thể thiếu, nó trở thành thói quen thường trực làm nên nét văn hóa bình dân độc đáo. Người Hà Nội vẫn cầu kỳ trong cách ăn uống, nếp sống, vậy mà không hiểu sao trà đá vẫn được ưa chuộng đến thế? Người ta tìm đến trà đá như một thói quen, nhấm nháp cái chan chát, rồi ngọt dần trong miệng mát xuống tận ruột, hòa mình trong những câu chuyện “không đầu không cuối”…
Nhâm nhi ly trà đá bên quán nước vỉa hè và ngắm sự nhộn nhịp, giản dị của thành phố, còn gì tuyệt vời hơn!
Hà Nội ngày lễ
Đó là một Hà Nội ít khói bụi, vắng xe cộ, với không khí thanh sạch và khung cảnh bình yên, tựa như chúng ta vừa bước lên một con thuyền chảy ngược dòng về quá khứ cách đây hai chục năm.
Vào những dịp nghỉ lễ, người tận dụng đi du lịch, người thì về quê, tạm rời xa phố thị tấp nập và công việc bộn bề để nghỉ ngơi. Những thành phố lớn như Hà Nội vốn ồn ào, tập nập, những ngày này lại trở nên bình yên đến lạ.
Nhiều người đùa vui: Ước gì ngày nào cũng là nghỉ lễ để không phải bon chen, không phải chờ đợi. Thật vậy, những con đường, con phố vốn chật kín người xe qua lại, mấy ngày nghỉ lễ như khoác một diện mạo khác. Yên bình và tươi mát. Vẫn những kiến trúc quen thuộc, vẫn những con phố quanh mùa như một, vẫn những hàng cây, những khóm hoa không đổi khác nhưng kỳ nghỉ lễ dài trả lại cho Hà Nội một vẻ tĩnh lặng đến trầm ngâm.
Không còn cảnh người xe nối đuôi nhau nhích từng bước một trên đường, Hà Nội thoáng đãng và rộng thênh thang. Một Hà Nội thật bình yên, vắng vẻ trong những ngày lễ. Một Hà Nội tĩnh lặng, lạ lẫm đến ngỡ ngàng.
Tập thể dục bên Hồ Gươm
Tập thể dục từ lâu đã là một nếp sống của người Thủ đô Hà Nội, dù mùa đông hay mùa hè, dù trời nắng hay mưa. 4 rưỡi, 5 giờ sáng là thời điểm mà mọi người từ trẻ tới già kéo nhau ra Hồ Gươm tập thể dục, hít thở không khí trong lành, chạy bộ vài vòng quanh Hồ Gươm. Những hình ảnh ấy đã trở nên quá quen thuộc với văn hóa của người Hà Nội. Không khí trong lành, thoải mái của Hồ Gươm khiến nhiều người lựa chọn nơi đây làm địa điểm tập thể dục. Các hoạt động diễn ra khá đa dạng, từ chạy bộ, đạp xe đến tập dưỡng sinh…
Rảo bước trên con đường ven Hồ Gươm từ lúc những ánh nắng còn chưa “thức giấc” ta sẽ thấy những điều bình dị, thân thương và đẹp đến yên bình. Những cụ già tập dưỡng sinh chậm dãi khoan thai, nam thanh nữ tú cùng tập thể dục nâng cao sức khỏe, đâu đó tiếng rao văng vẳng cùng tiếng xe đạp lạch cạch, chậm rãi…Hình ảnh Hà Nội dịu dàng, bình yên, trong veo khiến người ta có thể thấy một luồng sinh khí tinh khiết chảy trong cơ thể để đón chào một ngày mới, tuần mới tốt lành.
Nghệ thuật đường phố
Từ 1/9/2016 nhiều tuyến phố quanh hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được tổ chức để trở thành phố đi bộ phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Thời gian phố đi bộ bắt đầu từ 19 giờ tối thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hàng tuần tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ phụ cận.
Dù bạn có là du khách phương xa hay là người Hà Nội, bạn cũng sẽ yêu thích những buổi tối bên hồ Gươm, cùng đàn hát với nhóm các bạn thanh niên, các bác trung niên hay những cụ già. Bạn cũng sẽ bị ấn tượng bởi một sân khấu hát chầu văn, hay phố Tạ Hiên với ngã tư trình diễn nhạc sống ngày cuối tuần. Nghệ thuật đường phố ở Hà Nội còn có cả hip hop hay graffiti, những nhóm nhạc tự do thu hút rất nhiều người nán lại để thưởng thức nghệ thuật đường phố với đủ phong cách từ dân gian Việt Nam, nhạc trẻ, hip hop, các vũ điệu latin và cả những nhóm khiêu vũ sôi động nhất, thế nên nếu bạn cũng yêu những hoạt động trẻ trung như vậy, đừng tiếc thời gian ghé qua các khu công viên và tham gia cùng các bạn trẻ nhé.
Tết ở Hà Nội
Cứ mỗi dịp “Tết đến Xuân về”, Hà Nội lại nhộn nhịp cảnh người về quê thăm gia đình, người vào siêu thị mua bánh kẹo chuẩn bị đón khách vào “chúc mừng năm mới”, lũ trẻ con cười ríu rít, nô đùa cùng nhau, rộn rã cả một góc. Tết ở Hà Nội có một hương vị rất khác so với Tết ở bất cứ nơi nào, đó là hương vị của cái rét căm căm, của sắc đỏ hoa đào trên nền trời u ám.
Cũng phải nhắc đến một phong tục mới nảy sinh ở Hà Nội là từ sau năm 1955 và đã trở thành truyền thống. Đó là tục đón giao thừa quanh Hồ Gươm. Rồi đến thời kỳ có bắn pháo hoa bên hồ thì đêm giao thừa ở bên Hồ Gươm đúng là một lễ hội của toàn dân Thành phố. Chính do có sự kiện này mà Hà Nội hình thành một phong tục mới và đẹp là từ bấy đến nay, cứ đêm giao thừa mọi người lại đổ ra Hồ Gươm đón xuân náo nhiệt, tưng bừng.
Hương vị bình yên của cái ngày cuối năm dọn dẹp, lau chùi nhà cửa cùng bố mẹ, người thân, tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng. Hương vị tĩnh lặng của sáng mùng 1 nghi ngút trầm hương, đường phố vắng tanh không một bóng xe cộ.
Đi chợ hoa đào
Trong tâm trí của người Hà Nội, phiên chợ hoa ngày Tết không phải ở Quảng An, Tây Hồ, Hàng Đậu… mà là chợ hoa Hàng Lược. Người dân từ khắp các vùng trồng hoa lại mang đào, quất và đủ các chủng loại hoa Tết về họp chợ, tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết của Hà Thành. Những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất đều góp mặt tại đây. Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược, hoa dường như được chọn lựa kỹ càng hơn rồi mới đem ra bày bán trên kệ thành từng khu riêng biệt. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường…, trong đó đào được nhiều người từ nơi xa lặn lội đến tìm mua.
Người Hà Nội, nhất là những người cao tuổi, ngắm phố hoa Hàng Lược vào mỗi dịp xuân về như một thú tao nhã trước kỳ nghỉ Tết. Có khi cả tuần họp chợ ngày nào cũng đi ngắm để đến hôm 30 mới chọn được cành hoa. Đến đây, người ta được thoả thích ngắm hoa hoặc cảm nhận một nét văn hóa Tết đặc sắc ở mảnh đất ngàn năm văn vật… Người Hà Nội đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Đó như một thú vui. Thế nên, có lẽ chỉ có người Hà Nội mới nói “đi chơi chợ hoa” mà không phải là “đi chợ mua hoa” như nhiều nơi khác.
Ăn phở nóng ngày lạnh
Hà Nội mùa đông có biết bao nhiêu món ăn có thể dễ dàng làm xiêu lòng bạn, nhưng liệu có món ăn nào lại khiến bạn mê mẩn hơn là một bát phở với nước dùng còn nóng rẫy, thơm phức mùi xương ninh đây? Giữa những con phố u ám ngày đông lạnh, những buổi tảng sáng bầu trời toàn một màu ghi xám, cái rét như một thực thể cay độc dễ dàng xuyên qua từng lớp áo quần, len lỏi vào trong da thịt khiến ta phải xuýt xoa vội tìm một chỗ trú ẩn. Chẳng nơi đâu hợp như một hàng phở, vì chỉ đi qua nó thôi, trong cái tiết trời ác hại như thế này, là bạn đã thấy như mình được sưởi ấm và các giác quan tưởng như đang tê cứng được đánh thức.
Những hàng phở nhỏ nằm khuất trên những con phố dài của Hà Nội tựa như những “hội quán” dành cho những kẻ mê phở. Bạn đến đây để lọt vào một không gian với những người cũng yêu phở như mình, cần phở cho cái bụng lạnh ngắt mùa đông như mình. Bạn đến đây để tán thưởng cách người bán hàng thoăn thoắt thao tác với bát phở, một nhúm bánh phở trắng chần qua, rồi một chút thịt bò sống, thêm vài lát thịt chín được xếp gọn gàng bên cạnh, thêm nhúm hành hoa, hành củ, rồi một muỗng đầy nước dùng chan xâm xấp bát, chuỗi hành động liên tiếp nhanh gọn và dứt khoát như hiểu thấu lòng người ăn, chẳng muốn họ phải đợi lâu. Từng đấy trái tim, từng đấy hành động đồng cảm chỉ vì việc ăn phở, bạn còn cần gì hơn trong cái buổi rét mướt như thế này?
Nhà thờ Lớn
Mang trong trầm tích một lịch sử khác thường, nhà thờ Lớn Hà Nội cũng có những kỷ lục đáng nhớ. Đây là nhà thờ Công giáo được xây dựng đầu tiên trên đất Hà Nội và cũng là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất. Khi đó ngoại trừ cột cờ Hà Nội thì nhà thờ lớn là công trình cao nhất lúc đó ở Hà Nội.
Người ta tới Nhà thờ lớn không chỉ để chụp ảnh và ngắm nhìn lối kiến trúc cầu kỳ của nơi này, mà còn là để tụ tập bạn bè cùng chụp những tấm ảnh kỷ yếu cuối cùng, ghé qua những hàng nước bên đường, những quán cafe và những quán ăn nhỏ mọc lên như nấm. Khu Nhà thờ chính là một trong những nơi thu hút giới trẻ nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội nhất là khi mỗi dịp Giáng sinh về.
Hiện nay Nhà thờ Lớn vẫn là một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Hà Nội. Nơi này vừa là địa điểm tôn giáo, vừa là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời và là điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch. Những buổi chiều, buối tối nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng là niềm ưa thích của nhiều du khách khi tới Hà Nội.
Hoa sưa
Mùa hoa sưa nở trắng trời vào mỗi tháng 3 là một hình ảnh đầy lãng mạn và thơ mộng, khiến người đi xa chẳng thể ngừng day dứt khi nhớ về Hà Nội. Ở Hà Nội, cây sưa có nhiều nhất trên các phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Giảng Võ hay đường Thanh Niên…. Ngoài ra, bạn còn có thể bắt gặp một vài cây sưa trên đường Láng hay cây sưa tán rộng ở giữa sân ký túc xá Mễ Trì nằm trên đường Lương Thế Vinh.
Mùa hoa sưa ở Hà Nội thường bắt đầu từ cuối tháng 2, trong tiết xuân rõ rệt với mưa phùn và nồm ẩm. Hoa sưa kết thành từng chùm và mọc ra từ nách lá, thường xuất hiện trước khi lá mọc đầy đủ, thoảng mùi thơm nhẹ. Sắc trắng tinh khiết khó lẫn mang lại vẻ đẹp rất riêng cho hoa sưa, làm say đắm lòng người. Chỉ khoảng một tuần sau khi hoa nở, từng cánh hoa sưa mỏng manh thả mình bay theo gió, tạo thành con đường trắng sắc hoa.
Hoa sưa trắng muốt giữa không gian cây cối đa sắc khiến vẻ đẹp của phố phường thêm sinh động. Điểm tô thêm cho nét đẹp cổ kính, lãng mạn của Hà Nội. Hoa sưa mang vẻ đẹp trong sáng với nét quyến rũ rất riêng. Có lẽ chẳng ở đâu, bạn bắt gặp được một mùa hoa sưa đẹp như ở Hà Nội.
Lá vàng mùa thu
Mỗi mùa trong năm, Hà Nội lại mang một vẻ đẹp riêng đầy hấp dẫn. Nhưng có lẽ mùa thu là mùa khiến nhiều người mê say hơn cả bởi cảnh sắc trời thu đẹp đến nao lòng.
Để nói về đặc trưng mùa thu Hà Nội, có lẽ không thể không nhắc đến những con đường rợp bóng cây, đầy lá ngả vàng như đường Hoàng Diệu, đường Phan Đình Phùng, hay đường Thanh Niên,…
Trong đó, đường Phan Đình Phùng được xem là một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô. Hai bên đường, hàng sấu già thẳng tắp. Khi Hà Nội vào thu, vỉa hè đường Phan Đình Phùng gần như được phủ kín bởi sắc vàng của lá sấu rụng. Đặc biệt, nơi này rất vắng người qua lại tạo nên khung cảnh thiên nhiên quyến rũ. Diện những bộ áo dài xinh xắn đứng giữa hàng cây già im ắng, bỏ lại những ồn ào của phố xá để ghi lại những khung hình đẹp, chắc chắn sẽ đem lại cho bạn cảm xúc tuyệt vời.
Vào ngày cuối tuần, Hà Nội vắng lặng, cởi bỏ lớp vẻ ngoài náo nhiệt, xô bồ, không còn bon chen hối hả hay ganh đua, thay vào đó là màu của bình yên, của nỗi nhớ, hình như Hà Nội đang sống chậm hơn.
Mùa thu Hà Nội là mùa dễ gây thương nhớ và cũng dễ khiến người ta quyến luyến khi đi xa. Mỗi một mùa thu đi là một lần ta thấy yêu quý hơn cuộc sống của mình, trân trọng hơn những gì ta đã có, những gì ta đang nắm giữ trong bàn tay.
Ngắm sen trên hồ Tây
Cứ tới mùa hè, giới trẻ Hà Nội lại có thói quen dậy sớm, rong ruổi ra hồ Tây hóng gió, ngắm mặt trời mọc và… ngắm hồ sen. Trong không khí thanh mát, mùi hương sen thoang thoảng và khung cảnh đẹp như tranh vẽ sẽ khiến bạn như quên đi cuộc sống bận rộn ngoài kia.
Cứ đúng Ngày Sinh nhật Bác Hồ (19/5) là bắt đầu hoa sen nở. Mùa sen Hồ Tây cũng kết thúc đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Những ngày cuối tháng 5, sen Hồ Tây đã bắt đầu bung lá xanh biếc và hoa hồng tươi đón khách đến ngắm và chụp ảnh.
Đây là thời điểm chụp ảnh với sen đẹp nhất, vì lá sen non còn xanh biếc. Nếu cuối mùa lá sen già sẽ có màu xám và lá không còn non xanh. Thêm nữa, những khoảng nước trống để khách có thể tạo dáng cùng sen và tung nước làm cho bức ảnh sinh động. Nhiều người đam mê còn hoà mình vào dòng nước lấp ló trong đầm sen…
Để đón khách đến chụp ảnh với sen, những chủ đầm đã bắc cầu tre, bày trí một số tiểu cảnh như lều lá cọ, chum sành…
Tuy nhiên sẽ có một vài nơi mở dịch vụ với:
- Vé vào chụp ảnh là 50.000 đồng/lượt. Quần, áo, yếm cho thuê với giá 150.000 – 200.000 đồng/lượt. Trang điểm và chụp có giá từ 150.000 200.000 đồng/lượt.
Nếu không sử dụng các dịch vụ của nhà đầm, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh du khách cũng có thể selfie cùng với sen
Mua sách ở Đinh Lễ
Một ngày rảnh rỗi, rảo bước trên con phố Đinh Lễ với những hàng sách hai bên đường, đắm mình vào những kệ sách cao ngất, ngửi mùi của những trang giấy… đó là một thói quen khó bỏ hay nói đúng hơn là không thể bỏ của nhiều bạn trẻ Hà Nội.
Nhà sách Mão tọa lạc khu vực trung tâm Hà Nội với 5 gian sách rộng khoảng 200m2. Nhiều người Hà Nội gọi vui nơi đây bằng biệt danh là “thánh địa sách”. Để có được cơ ngơi như bây giờ, chủ nhân của tiệm sách đã phải kiên trì và bền bỉ với công việc của mình suốt hơn 20 năm qua. Những nét cổ kính và độc đáo như một khu phố cổ thu nhỏ đã làm tăng thêm ấn tượng của Mão trong lòng người Hà Nội. Nhiều người đến đây mua sách, tham quan vì thói quen. Nhiều người do hiếu kì nên muốn đến một lần. Chiếc cầu thang xoắn thẳng đứng trong hiệu sách cứ làm bao nhiêu người mê mẩn.
Với thú yêu sách và yêu nghệ thuật thì nhà sách Mão Đinh Lễ thực sự có rất nhiều không gian để bạn sống ảo cực chất, cực deep. Nhiều người mê mẩn chiếc cầu thang cuốn thẳng đứng như một nấc thang dẫn lên thiên đường. Nhiều người lại thích những chiếc kệ sách san sát nhau đậm chất retro của những năm 80, 90. Vì vậy mà ai đó đến đây lần đầu cũng không quên checkin vài kiểu.
Hà Nội đẹp vậy đó. Vẻ đẹp của Hà Nội làm xao xuyến lòng người, để lại nhiều ấn tượng khó phai trong tâm trí du khách mỗi lần đặt chân tới đất Hà Thành.