Khi tháng ba trở về trong cơn mưa phùn lất phất, đất trời Hà Nội bỗng cất lên những thanh âm dịu ngọt giữa khúc giao mùa. Tháng ba về, Hà Nội đỏng đảnh lắm, có … xem thêm…chút lành lạnh của những ngày cuối đông vương lại, có chút mơn chớn trong tia nắng ấm của mùa xuân thở vội, và có chút rạo rực chờ đợi những ngày hạ cháy sắp sửa ôm lấy phố thị đông đúc này. Tháng ba, Hà Nội được tô điểm bởi những sắc hoa tươi thắm nồng nàn.
Hoa sưa
Nhắc về tháng ba của Hà Nội, người ta không thể quên màu trắng mướt mềm như tuyết của những bông hoa sưa trong thành phố. Rặng sưa già cứ lặng im trong cơn gió đông rét buốt để rồi hoà vào sự thay đổi của tiết trời, bông sưa bung sắc, mỉm cười trong gió chớm. Cánh hoa nhỏ xinh, trắng mướt cứ mải miết theo gió mà bay đi muôn nơi, thành phố bỗng chốc trở nên đẹp tới nao lòng.
Nhiều người thường nhầm lẫn hoa sưa và hoa sữa vì tên gọi khá giống nhau, đều nở thành chùm và mang màu trắng. Nhưng thay vì hoa sữa có mùi đặc trưng thì hoa sưa không mùi, ngoài ra điều khiến cho loài hoa này trở nên đặc biệt chính là màu trắng tinh khôi như tuyết, không phải trắng đục như hoa sữa.
Hoa sưa nở thành từng cụm nhưng cụm nhỏ lác đác, cứ mỗi lần có nhỏ nhẹ thoang thoảng qua, những bông hoa bé nhỏ lại rơi xuống đất, trông như một tấm thảm trắng muốt.
Giữa nhịp sống chỉ toàn điều vội vã, trái tim con người bỗng chùng xuống một nhịp lắng đọng, đôi mắt cứ nhìn theo rặng sưa già mà thấy lòng nhẹ tênh. Ai xa Hà Nội sao có thể quên được hình ảnh ấy, nét đẹp giản đơn, mộc mạc cứ in hằn vào từng thế hệ, từng đời người.
Hoa bưởi
Những ngày giao giữa tháng hai và tháng ba, khi đi ngang qua các con phố, ta sẽ bắt gặp hình ảnh những chùm hoa bưởi nằm gọn lại trên những chiếc xảo của gánh hàng rong toả hương thơm ngát. Hoa bưởi là biểu tượng của sự thật thà, còn trong tình yêu hoa tượng trưng cho một tình yêu trong sáng.
Vào mỗi tháng 3 về, mùa của loài hoa bưởi đến, các cặp đôi thường tặng cho nhau những bó hoa bưởi tươi thắm để chứng minh cho một tinh yêu trong sáng và tinh khiết mà họ dành tặng cho đối phương. Không rực rỡ như đào, mai, không thanh tao như loa kèn… Hoa bưởi gây thương nhớ với vẻ đẹp mộc mạc, bông trắng nhụy vàng. Dạo quanh các con phố, lọt vào tầm mắt là những gánh hàng hoa bưởi, thoang thoảng mùi hương đánh thức mọi giác quan, tạo nên một nét đẹp rất riêng giữa thủ đô tấp nập.
Hoa bưởi đẹp mộc mạc, và hương thơm dịu mát như chạm tới từng tri giác cứ khiến người ta mê mẩn không thôi. Người ta tạt vội vào lề đường, mua lấy chút hoa về để thơm nhà hay dùng làm thuốc đông y, nấu những bát chè bưởi giải nhiệt hay chọn cẩn thận để làm quà tặng cho nhau. Chỉ với một vài bông bưởi thôi, nhưng hương thơm vương vấn, quấn quýt mãi không rời. Không chỉ cắm hoa, làm thuốc, nhiều người còn lưu giữ hương hoa bưởi bằng một cách đặc biệt hơn, đó là trong các món ăn quen thuộc như: Mía ướp hoa bưởi, sắn dây ướp hoa bưởi, trà mạn, chè, tào phớ
Hoa ban
Cứ ngỡ loài hoa ấy chỉ tìm thấy trên núi rừng Tây Bắc, nhưng không, ngay tại Hà Nội, loài hoa ban cũng đã bung sắc hương hoa phô diễn hết vẻ đẹp yêu kiều trong tiết trời tháng ba. Màu tím hồng phơn phớt, cánh hoa mỏng manh như cô gái yêu kiều e ấp khiến cho Hà Nội trông thật khác, khiến cho người ta cứ muốn đắm chìm và mê mẩn. Sắc tím hồng điểm tô thêm cho Hà Nội dịu dàng, cho Hà Nội mộng mơ và cho con người ta biết đi tìm những giây phút thư thái đằng sau gói bộn bề thường nhật.
Hoa ban – loài hoa đặc trưng của Tây Bắc, xuất hiện ở Hà Nội từ những năm 1960. Hoa được trồng tại nhiều tuyến phố như Hoàng Diệu, Bắc Sơn, đường Thanh Niên,… Thích ứng với khí hậu của thủ đô, hoa ban thường nở từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 và kéo dài khoảng một tháng, trở thành một nét đặc trưng của thành phố. Một trong những điểm ngắm hoa ban đẹp nhất là trên đường Hoàng Diệu, đối diện khu vực Đài tưởng niệm Bắc Sơn. Ở đây có đường đi bộ, với khoảng 20 cây ban được trồng thẳng hàng, cùng nở rực thu hút nhiều người tới chụp ảnh.
Hoa xoan
Hoa Xoan còn có tên gọi khác là hoa sầu đông, hoa thần đâu. Có lẽ bởi vì mùa đông cây Xoan trơ trụi với những cành cây khẳng khiu nhưng khi cơn mưa xuân rơi xuống thì Xoan lại nở hoa nhanh chóng, dày đặc. Xoan rất dễ trồng, nó tự mọc lên nhờ hạt rơi xuống, thường được trồng ở ngoài ngõ, bờ ao, góc vườn và cả trên những con phố… Xoan thường mọc thành từng chùm với cánh trắng, nhụy hoa màu tím khiến cho chúng trở nên hài hòa trong cùng một bức tranh, toát lên vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế, trong trắng như người phụ nữ Việt Nam.
Hoa Xoan không có đặc điểm gì nổi bật cũng không phải là một loài hoa quý nhưng Xoan vẫn luôn xuất hiện ở mọi vùng quê bởi cây Xoan còn có tác dụng cho gỗ, có thể làm ra nhiều sản phẩm từ gỗ Xoan.
Đi lạc vào những con phố nhỏ của thủ đô, người ta thả hồn mình theo mùi hương thoang thoảng, nhè nhẹ của những chùm hoa xoan đang bung sắc giữa đất trời. Cánh hoa xoan nhỏ xíu, màu hoa có sự pha trộn giữa sắc tím và sắc trắng tạo cảm giác tinh khôi trong trẻo. Gợi nhớ, gợi thương. Hà Nội khi ấy mộng mơ tới lạ, kẻ nhìn vào thấy lòng nhiều điều bình yên lắm.
Hoa gạo
Cả một năm hoa gạo chỉ nở có một lần vào thời điểm mưa phùn vừa dứt, và thời tiết dần ấm hơn. Vì vậy, khi loài hoa này xuất hiện, người ta luôn coi đó là tín hiệu của mùa đông sắp qua đi, thành phố sắp sửa được thiêu đốt bởi những tia nắng hè gắt gỏng. Hoa gạo có màu đỏ chói, rực rỡ dưới bầu trời trong veo của ngày cuối tháng ba. Những cánh hoa nở xoè rạng rỡ mỉm cười với tạo hoá và vạn vật. Hà Nội như ấm áp hơn, ngọt ngào hơn hẳn trong sắc đỏ của loài hoa này.
Hoa gạo là loài hoa cánh đơn với 5 cánh lớn, cánh hoa dày chứ không mỏng và mang màu sắc đỏ tươi đầy sức sống. Hoa gạo có điểm rất đặc trưng là không mọc dày sát nhau, nhưng lại bung nở đỏ rực cùng một thời điểm. Có lẽ vì thế mà hoa gạo khiến bao người ngẩn ngơ, mê mẩn đến độ chỉ cần nhắc đến tháng 3 là nghĩ đến mùa hoa gạo nở.
Khi trút hết lá, cả cây gạo đều phủ một màu đỏ rực, bông hoa gạo to, cánh hoa dày, điểm xuyết vào đó là những lộc non mơn mởn…. đã tạo nên vẻ đẹp rực rỡ dù ở bất cứ không gian nào.
Tháng 3 về, tháng của những ngày gió nồm thổi nhè nhẹ qua từng mái ngói, tháng của mùa hoa gạo Hà Nội đua nhau nở đỏ rực cả một góc trời Hà thành. Dù sống ở phố phường tấp nập nào thì hình ảnh bông hoa gạo vẫn khiến những người xa xứ chạnh lòng nhớ quê hương cùng bao ký ức tuổi thơ vọng về.
Hoa vô ưu
Hoa vô ưu (còn gọi là hoa vàng anh) là một loài hoa biểu tượng của Phật giáo. Chính vì vậy, những nơi có nhiều hoa này nhất thường luôn là những ngôi chùa của đạo Phật. Cây Vô Ưu thuộc loại thân gỗ, thân cây có màu xanh, lá vô ưu có màu xanh và nhỏ dài. Vô Ưu có hoa mọc thẳng ra từ thân cây, chùm hoa khỏe mạnh có thể dài từ 2-3m. Hay được gọi với tên gọi khác là hoa Sala, loài hoa này nở quanh năm và thường mọc từng chùm ở thân cây. Hoa Sala có 4 cánh màu vàng, trước khi tàn và rụng thì màu cánh hoa sẽ chuyển sang màu đỏ.
Hoa có mùi thơm tỏa ra từ những cánh hoa dày. Đầu hoa nhỏ và có nụ màu vàng, các chùm hoa mọc kín lên nhau từ cuống lên đến cành. Hoa vô ưu còn được biết đến là loài hoa gắn liền với những sự kiện quan trọng của cuộc đời Đức Phật. Cái tên vô ưu ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa, và một trong những ý nghĩa đó là khi con người nhìn vào sắc hoa, như có một phép màu, họ sẽ không còn thấy ưu phiền. Hoa thường trổ vào cuối mùa xuân, lúc đất trời chìm vào tia nắng ấm, và màu vàng cam của loài hoa vô ưu càng tạo cảm giác ấm áp. Hoa có mùi thơm dịu, và đặc biệt vào lúc chiều muộn là lúc hương hoa lan toả mạnh mẽ nhất.
Hoa lộc vừng
Hoa lộc vừng bé li ti, sắc hoa đỏ rực, cánh toả ra như râu, đầu cánh điểm chút đốm trắng. Hoa nở đẹp nhất vào lúc hoàng hôn, hương hoa thơm nồng nàn bay theo từng cơn gió thoảng cứ nhè nhè bám lấy khứu giác con người. Cho tới sáng hôm sau, hoa sẽ rụng xuống tạo thành tấm thảm đỏ rực. Và khi hoa chưa kịp nở hết, lộc vừng đã vội vã buông mành xanh rủ xuống, lúc đó, khi đứng dưới gốc lộc vừng về đêm, ta có cảm giác như đang lạc vào mê cung rực rỡ sắc màu.
Lộc vừng đẹp theo mùa, đối với mùa hoa, dưới gốc cây phủ hết một màu đỏ. Mùa nắng, cây lộc vừng vươn tán làm mát dịu biết bao tâm hồn trong những trưa hè. Lãng mạn và cuốn hút hơn cả và như một lời hẹn ước của thời gian, tháng Ba, những cây lộc vừng của Hà Nội lại bước vào mùa thay lá. Một số ít cây lộc vừng lá chuyển màu vàng đỏ hoặc cam rực rỡ, còn chủ yếu là màu vàng óng ả.
Trên đường phố, trong khuôn viên các cơ quan, trường học… đâu đâu cũng có thể bắt gặp những cây lộc vừng đang vào mùa thay lá, nhưng với người Hà Nội khi nhìn thấy lá lộc vừng chuyển sắc vàng – đỏ, nhiều người lại bớt chút thời gian tìm về cây lộc vừng cổ thụ và cây lộc vừng 9 gốc bên Hồ Gươm. Lúc này, những chiếc lá xanh đồng loạt chuyển sang màu vàng – đỏ khiến cả một góc Hồ Gươm như sáng rực, đẹp lung linh.
Có một Hà Nội dịu dàng và bình yên tới vậy, và có những mùa hoa làm người ta nao lòng tới thế.