Bên cạnh vẻ đẹp trầm mặc của một thủ đô nghìn năm Văn Hiến, thành phố lớn Hà Nội cũng thể hiện được sự trẻ trung, năng động của mình với hàng loạt các điểm vui … xem thêm…chơi hấp dẫn. Vào mỗi dịp cuối tuần, một số bạn trẻ chọn la cà quán xá nhâm nhi vài món ăn vặt, thưởng thức đôi ba tách trà sữa và cùng tán gẫu. Một số còn lại chọn thư giãn ở những điểm giải trí hiện đại, sôi động. Vậy đâu là nơi được giới trẻ thường xuyên lui tới? Hãy cùng Toplist khám phá những địa điểm vui chơi thú vị nhất tại Hà Nội qua bài viết dưới đây nhé. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Phố ẩm thực hàng Buồm
Một địa điểm ăn ngon mới được giới trẻ “khai quật” nằm ngay trên phố cổ Hà Nội, tại phố ẩm thực Hàng Buồm quán xá ở đây không quá nhiều nhưng luôn đa dạng về các món ăn, với giá phải chăng đó luôn là những yếu tố thu hút các bạn trẻ có tâm hồn ăn uống. Phố ẩm thực Hàng Buồm là một con phố nho nhỏ nằm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Con phố Hàng Buồm dài 300m, rộng 7m, bắt đầu từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư phố Hàng Ngang – Hàng Đường – Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày. Phố ẩm thực Hàng Buồm được ví như một Hà Nội thu nhỏ hiện đại, tấp nập và đông đúc. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được đắm chìm trong cả một thiên đường ẩm thực, từ những món ăn truyền thống của người Việt cho đến các món lạ từ khắp nơi trên thế giới.
Đến với phố ẩm thực Hàng Buồm, bạn có thể tha hồ chọn đồ ăn từ những món xôi chim, chả ốc, cơm cuộn, sinh tố, hoa quả dầm và nhiều các món ăn mang hương vị Hàn Quốc như cơm trộn, hay sushi và nhiều các món ăn đường phố khác. Các gian hàng ở đây đa số là các gian hàng nhỏ và chủ yếu bán đồ ăn vặt nên mọi người có thể vừa ăn vừa đi tham quan. Đến đây bạn có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của người Hà Nội, đậm chất hương vị Việt như chả ốc, xôi chim, lẩu nướng, hay các món giải khát như chè… Ngoài ra còn nhiều món khác như: nộm bò khô, bánh gối, chè, kem, ngô xào tép, ngô nướng, khoai lang nướng, sắn dây xắt miếng và các món dân dã khác cũng được rất nhiều du khách lựa chọn để thưởng thức. Ngay cạnh phố ẩm thực cũng là khu phố đi bộ nhé, chỉ cần đi bộ mấy phút về phía Hồ Gươm là bạn có thể tận hưởng thêm không khí nhộn nhịp, vui vẻ nhưng không quá chen chúc như trong khu phố ẩm thực rồi.
Phố bia Tạ Hiện
Phố Tạ Hiện là khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội, với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang – Hàng Đào. Trong thời kì Pháp thuộc, phố Tạ Hiện vốn được gộp lại từ những đoạn phố cổ cũ, được đặt tên là phố Rue Géraud. Nhưng người dân vẫn quen gọi nơi này là ngõ Quảng Lạc bởi ở giữa phố là nơi tọa lạc của rạp hát nổi tiếng nhất nhì Hà thành thời bấy giờ – Rạp hát Quảng Lạc. Là nơi diễn tuồng chèo nức tiếng ở thủ đô, Quảng Lạc được xem là chốn thưởng thức thi ca đầy sống động và náo nhiệt của giới thượng lưu. Xung quanh rạp hát tấp nập những cửa hàng ăn uống, giải khát phục vụ khách xem và dạo chơi đêm. Từ những cửa tiệm bán cháo, phở, mì vằn thắn hay những quán bia đông đúc người qua lại cho đến gánh hàng rong bán chè, bánh rán, bánh bao… tất cả đều tạo nên khung cảnh sinh hoạt tấp nập, ồn ã của khu phố nhỏ về đêm.
Phố Tạ Hiện nổi tiếng với khu phố Tây, mặc dù con phố này chỉ dài hơn 100 mét nhưng lúc nào cũng đông đúc. Đến với phố Tạ Hiện bạn sẽ được thưởng thức những cốc bia ngon, mát lạnh, ngồi uống trên những chiếc ghế nhựa vỉa hè với hàng quán san sát nhau. Ngoài bia Tạ Hiện người ta biết đến với nhiều món ăn hấp dẫn như cơm rang, lẩu chim nướng, phô mai. Ngon và nhiều là thế nhưng chưa có món ăn nào vượt qua được bia cỏ. Bia cỏ tuy dân dã nhưng lại có sức hút lạ thường với một thứ đồ uống mang đậm chất phố cổ nơi đây, không chỉ nổi tiếng tại Hà Nội, phố bia Tạ Hiện còn được nhiều du khách nước ngoài biết đến. Kiến trúc kiểu Pháp đã tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, trầm mặc nhưng vô cùng quý phái, trang trọng của khu phố trứ danh này. Vẻ đẹp khó cưỡng của Tạ Hiện thường được khách du lịch quốc tế ví von so sánh với khu phố Tây Khaosan nổi tiếng ở Thái Lan. Khác với vẻ đẹp yên tĩnh vào những buổi sáng tinh mơ, Tạ Hiện khoác lên mình vẻ quyến rũ, náo nức khi màn đêm buông xuống.
Phố Tràng Tiền
Phố Tràng Tiền nằm ở trung tâm Thủ đô, không chỉ là một trong những phố lưu giữ nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, thương mại đẹp, mà còn tập trung nhiều cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh sầm uất. Một trong những công trình đẹp nổi bật ở phố Tràng Tiền là Nhà hát Lớn Hà Nội, với lối kiến trúc độc đáo được khởi công xây dựng năm 1901, hoàn thành năm 1911, nằm trên quảng trường Cách mạng Tháng Tám, đã trải qua một vài lần sửa chữa, tu bổ. Không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong… của Nhà hát Lớn mang dáng vẻ của các nhà hát phương Tây, là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình văn hóa, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Nằm ở giữa phố, rạp Công Nhân cũng thường sáng đèn đón khán giả tới thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở đầu phố Tràng Tiền luôn mở cửa để khách thập phương tới tham quan, tìm hiểu. Bảo tàng lưu giữ nhiều bảo vật quý ghi dấu ấn thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc. Mặt bằng bảo tàng kiến tạo theo yêu cầu trưng bày với không gian chính sảnh hình bát giác độc đáo. Trong khuôn viên bảo tàng và phía bên ngoài tường rào, nhiều cây cối xanh tươi, trổ hoa bốn mùa: hoa gạo cuối xuân; bằng lăng tím, phượng vĩ mùa hè, cây bàng đỏ lá mùa đông… Một số vườn hoa nằm kề phố Tràng Tiền, như Cổ Tân, vườn hoa Nhà hát Lớn tô điểm cho tuyến phố thêm phần sinh động. Về những công trình thương mại, không thể không nhắc tới Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza được xây dựng trên vị trí của Bách hóa Tổng hợp Hà Nội cũ, gồm ba mặt tiền, bày bán sản phẩm của hơn 200 nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm và phụ kiện nổi tiếng, trong đó có nhiều nhãn hàng mang thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Ngoài Tràng Tiền Plaza, các tín đồ mua sắm thời trang có thể thỏa thích chọn lựa áo quần, phụ kiện tại các cửa hàng của vài thương hiệu nổi tiếng khác trên con phố này…
Văn Miếu Quốc Tử Giám
Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn như một ngọn nến luôn rực cháy, thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Đến nơi đây bạn dường như được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, nạp vào nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại. Bên cạnh đó, ngày nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức hội thơ, là nơi khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc và là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân thủ đô trong những ngày tết truyền thống với ước mong năm mới an lành hoặc trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.
Lăng Bác
Lăng Bác là một trong những địa điểm nổi bật nhất mà du khách không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội. Lăng được chính thức khởi công vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 19/8/1975. Đây là nơi lưu giữ thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Lăng Bác nằm trong quần thể lăng bao gồm cả quảng trường Ba Đình, phủ Chủ tịch, nhà sàn bác Hồ… Mặt chính của lăng hướng về phía đông là Quảng trường Ba Đình. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m. Lớp dưới có kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài dành cho đoàn chủ tịch khi diễn ra hoạt động mít tinh. Phần giữa là kết cấu trung tâm của lăng bao gồm phòng thi hài, hành lang, cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được cách điệu hình bông sen nở. Trước mặt chính lăng có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Lăng Bác thường mở cửa vào các buổi sáng trong tuần trừ thứ Hai và thứ Sáu. Tuy nhiên những ngày đặc biệt như mùng 1 Tết Nguyên Đán, ngày 19/5 (sinh nhật Bác) và ngày 2/9 (Quốc khánh) mà trùng vào ngày thứ Hai hoặc thứ Sáu thì lăng vẫn sẽ mở cửa. Thông thường, du khách sẽ được tham quan hết khu theo trình tự: Lăng Bác đến Nhà sàn, ao cá Bác Hồ, sau đó đi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh và cuối cùng là Chùa Một Cột. Con đường từ lăng dẫn đến nhà sàn Bác Hồ rất đẹp, có hồ nước và vườn cây nên không khí vô cùng mát mẻ. Du khách có thể tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác hoặc thăm ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ để biết thêm về cuộc sống bình dị của người. Sau khi thăm nhà sàn, phủ Chủ tịch và bảo tàng sẽ đến quầy giải khát và bán đồ lưu niệm.
Chợ đêm phố Cổ
Chợ đêm phố cổ Hà Nội nằm trên các tuyến phố kéo dài 3km từ phố Hàng Đào đến cổng chợ Đồng Xuân. Bất kể mưa nắng, từ 18h đến 23h các tối thứ 6, thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường lại náo nhiệt hơn bao giờ hết. Nằm giữa những con phố cổ kính của Hà Nội, “chợ phiên” đặc biệt này quy tụ đến gần 4000 gian hàng với rất nhiều các chủng loại, mặt hàng khác nhau từ quần áo, đồ chơi, đồ lưu niệm đến đồ thủ công mỹ nghệ, đồ ăn uống… với giá tương đối bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều du khách khi đến đây. Bước vào chợ bạn sẽ được hòa mình vào không gian của sắc màu và không khí sôi động, nhộn nhịp. Trong ánh đèn rực sáng, các món đồ bày bán trở nên lung linh, rực rỡ hơn, hấp dẫn du khách. Đặc biệt là vào dịp tết Trung thu, lễ Giáng Sinh hay tết Nguyên Đán những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đồ trang trí Giáng Sinh… nhiều màu sắc được này bán khiến bất cứ ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn.
Ghé thăm chợ đêm phố cổ, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một thiên đường ăn uống vô cùng phong phú, hấp dẫn. Đi dọc các tuyến phố, bạn có thể thoải mái lựa chọn nhiều món ăn từ thuần Việt, những thức quà nổi tiếng của Hà Nội đến các món ăn của Hàn Quốc hay những món theo phong cách Á – Âu. Những món ăn được các bạn trẻ yêu thích tại chợ đêm phố cổ đó là nem chua nướng, thịt xiên nướng, chả ốc, bánh khúc, cơm cuộn Hàn Quốc, Tokbokki, các món chè, sinh tố… Đồ ăn ở đây có giá khá hợp lý nên thu hút rất đông các bạn trẻ cũng như du khách tụ tập, hàn huyên cùng bạn bè. Cùng bạn bè, người thân tản bộ cuối tuần ở chợ đêm phố cổ, thưởng thức những món ăn ngon, hòa mình vào những màn trình diễn đặc sắc sẽ giúp bạn thư giãn và nạp đầy năng lượng cho một tuần làm việc hiệu quả tiếp theo bạn nhé.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ. Có một điều mà ít người biết về cây cầu đó chính là việc nó đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.
Cầu Long Biên đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, người dân vui và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều ghi lại giây phút đó. Cầu Long Biên chắc là cây cầu gắn với những kỉ niệm, cây cầu mà những bạn trẻ thường chạy xe ra dừng lại hóng gió một ngày hứng lên hay ngày nào đó cảm thấy bí bách cần một không gian thoáng đãng để thở. Cây cầu cũng là nơi các bạn sinh viên vẫn hay tụ tập ngồi lại đàn hát vui vẻ, là nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi trẻ của chúng ta.
Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng Thành Thăng Long nay thuộc địa bàn của phường Điện Biên và phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có tổng diện tích là 18.395ha bao gồm các khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và các di tích khác còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Đoan Môn, cột cờ Hà Nội, điện Kính Thiên, nhà D67, Bắc Môn, Hậu Lâu, tường thành và 8 cổng hành cung dưới thời Nguyễn. Những khu di tích này nằm ở quận Ba Đình và được giới hạn bởi các tuyến đường: Phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Bắc Sơn và tòa nhà Quốc Hội, phía Tây Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Tây là đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập, nhà Quốc Hội và cuối cùng phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương. Đây là địa điểm tham quan chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu trong Hoàng Thành – Di tích này bao gồm tầng dưới cùng là một phần bên phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường, tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần, tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm tòa thành tỉnh Hà Nội thế kỷ 19. Cột cờ Hà Nội là di tích được xây dựng vào năm 1812 dưới triều Gia Long. Cột cờ cao 60m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh. Chân đế có hình vuông với diện tích là 2007m² và bao gồm 3 cấp thóp dần lên. Mỗi cấp đều có tường hoa và hoa văn bao quanh. Từ mặt đất lên tới chân cấp thứ 2 phải leo 18 bậc thang tại mặt phía Đông và mặt phía Tây. Muốn từ cấp 2 lên cấp 3 cũng phải leo 18 bậc thang ở hai cửa hướng Đông và Tây. Còn cấp thứ 3 có 4 cửa, cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam và cửa Bắc.
Hồ Gươm
Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng. Trước đây hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy (hồ nước xanh) hay hồ Thủy Quân (bởi hồ từng là nơi để huấn luyện thủy binh chiến đấu). Đến thế kỉ thứ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ. Hồ Hoàn Kiếm là nơi tụ hội, điểm hẹn lý tưởng bốn mùa: Rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân; lồng lộng những cơn gió xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè; say đắm với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu, lộng lẫy trong cơn mưa lá vàng và những giọt mưa phùn lất phất bay của mùa đông. Không chỉ là thắng cảnh đẹp mà du khách không thể bỏ qua trong danh sách những địa điểm du lịch Hà Nội mà đây còn là nơi gắn liền với truyền thống lịch sử tâm linh của thủ đô.
Hồ Hoàn Kiếm có hai đảo nổi: Đảo Ngọc nằm ở phía bắc hồ, có cầu Thê Húc uốn cong bắc ngang nối ra đảo. Giữa hồ là đảo Rùa nhỏ hơn, bên trên là ngọn tháp Rùa cổ kính trăm tuổi trầm mặc giữa bốn bề long lanh sóng nước. Vào 3 ngày cuối tuần các đường phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ trở thành phố đi bộ với nhiều hoạt động hấp dẫn như âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian…. thu hút rất đông du khách. Nằm trên đảo Ngọc, đền Ngọc Sơn không chỉ là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội mà còn là nơi thờ thần Văn Xương, ngôi sao chủ về văn chương khoa cử và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Xung quanh đền là quần thể di tích kiến trúc mang nhiều giá trị lịch sử và ý nghĩa nhân văn gồm cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba. Sự kết hợp giữa quần thể đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo nên một tổng thể kiến trúc cổ kính hài hòa, đăng đối giữa con người và thiên nhiên.
Các khu trung tâm thương mại Hà Nội
Hiện nay, các trung tâm thương mại Hà Nội phát triển khá mạnh với những quy mô lớn, nhằm đem đến không gian sống mới cho mọi người. Các trung tâm thương mại Hà Nội phát triển như một thành phố thu nhỏ, bên trong với nhiều dịch vụ tiện ích, trò chơi giải trí, các dịch vụ, y tế, trường học, siêu thị đi kèm với kiến trúc thiết kế độc đáo, bắt mắt, mang phong cách lịch sự văn minh. Đặc biệt hơn, nhiều dịch vụ trong trung tâm thương mại phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Đây là một địa điểm vui chơi khá thú vị cho các bạn trẻ. Mặc dù đã xuất hiện hơn năm nhưng con sốt về khu trung tâm thương mại này vẫn không ngừng giảm, hàng ngày vẫn tiếp đón hàng ngàn lượt khách đến thăm quan và mua sắm tại đây. Aeon Mall Long Biên được xây dựng bởi tập đoàn Nhật Bản nên không gian văn hóa ở đây mang đậm phong cách của xứ sở hoa anh đào, đi kèm với đó chính là chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ mang thương hiệu Nhật Bản – một trong những quốc gia có chất lượng sản phẩm đứng đầu thế giới.
Nằm ở vị trí trung tâm đắc địa, Lottle trên đường Liễu Giai luôn gây ấn tượng cho người dân khi đi ngang qua bởi sự hoành tráng và độ cao chót vót. Được biết đến là tòa nhà cao thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau tòa nhà Keang Nam Landmark, nơi đây hứa hẹn là điểm đến hàng đầu của người Hà Nội vào mỗi dịp cuối tuần. Có thể nói dịch vụ ở đây thuộc top hàng đầu tại Việt Nam, luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngay khi bước vào khách hàng được đón chào bởi những nụ cười và cái cúi chào thân thiện, khi vào khu vực mua sắm, gia đình có con nhỏ được mượn xe đẩy để shopping hay ghế nghỉ, sạc pin điện thoại khắp nơi để tạo cảm giác thoải mái, tiện nghi nhất. Tuy nhiên, các mặt hàng ở đây thường hướng đến phân khúc cao cấp từ nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nên đa phần du khách đến đây chủ yếu để thăm quan, chụp ảnh hay thậm chí để tránh nóng mùa hè.
Hà Nội luôn thu hút và níu chân người ở lại bởi những điều bình dị và nhỏ nhất, nhưng ẩn chứa bên trong là một Hà Nội hiện đại và không ngừng phát triển.