Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh đẹp mắt, con người hiền hòa mà còn có rất nhiều đặc sản “mê hoặc” du khách. Mỗi địa phương lại có … xem thêm…một hoặc nhiều món ăn đặc trưng, để rồi bất kỳ ai đến đó đều phải tìm ăn cho bằng được. Trong văn hóa Việt Nam, ăn uống là cả một nghệ thuật, nó không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người mà còn có mối quan hệ mật thiết đến lối sống, truyền thống dân tộc, được thể hiện rất rõ qua những dụng cụ được dùng trong bữa ăn, cách ứng xử với mọi người trong khi ăn. Vì thế việc ăn uống còn minh chứng cho lịch sử và sự hình thành nền văn hoá của Việt Nam. Các món ăn qua từng giai đoạn nói lên được cuộc sống, con người của giai đoạn đó và của vùng đất – nơi đã sản sinh ra mỗi món ăn. Hãy cùng Toplist khám phá ngay những món ăn ngon “không thể cưỡng lại” này của Việt Nam bạn nhé!
Thịt trâu gác bếp Hà Giang
Thịt trâu gác bếp hay còn được biết với tên thịt trâu khô, thịt trâu sấy, thịt trâu hun khói, thường được đồng bào các dân tộc thiểu số tại những tỉnh vùng cao phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng xem là thứ đặc sản và ăn thường xuyên, hoặc trong các chuyến đi rừng dài ngày. Hơn nữa, vào những ngày mưa lũ, món ăn này cũng sẽ phát huy thế mạnh do đảm bảo chất dinh dưỡng cho bà con trong buôn trong lúc bản làng bị ảnh hưởng của bão, cách ly với bên ngoài. Thịt trâu gác bếp, hay còn được biết với tên thịt trâu khô, thịt trâu sấy, thịt trâu hun khói, thường được đồng bào các dân tộc thiểu số tại những tỉnh vùng cao phía Bắc nói chung và Hà Giang nói riêng xem là thứ đặc sản, ăn thường xuyên, hoặc trong các chuyến đi rừng dài ngày.
Để món thịt trâu gác bếp Hà Giang thơm ngon, độc đáo, thì việc đầu tiên rất quan trọng chính là phải lựa chọn được nguyên liệu. Thông thường, người dân ở cao nguyên đá sẽ chọn những con trâu được chăn thả trên các vùng đồi núi. Bạn đang thắc mắc vì sao đúng không? Bởi thịt trâu mà càng săn chắc, thì sẽ càng dai ngon và đậm vị hơn. Đặc biệt, vào các dịp mổ trâu, bà con trong bản sẽ chọn loại thịt bắp ngon của trâu tươi, không gân hay thăn để làm món thịt trâu gác bếp Hà Giang. Ngoài ra, những gia vị tẩm ướp đậm đà miền sơn cước cũng không thể thiếu trong chế biến thịt trâu gác bếp Hà Giang được. Các gia vị ấy bao gồm ớt, gừng, mắc khén, muối, tỏi, sả, hạt dổi.
Món nướng Sapa – Lào Cai
Với quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều địa điểm du lịch Sapa còn hoang sơ, người dân bản địa thân thiện và khí hậu mang hơi hướng Châu Âu, Sa Pa từ lâu đã là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước cả vào mùa hè lẫn mùa đông. Là một thành phố du lịch, hiển nhiên ẩm thực của Sa Pa cũng vô cùng phong phú với ẩm thực du nhập và cả ẩm thực địa phương. Tới Sa Pa, bạn có thể thử nhiều món lạ, nhưng nhất định đừng quên thưởng thức đồ nướng tại đây. Bởi trong tiết trời tê lạnh, những xiên đồ nướng đủ màu sắc tỏa hương hấp dẫn sẽ nhanh chóng sưởi ấm cả cơ thể lẫn chiếc dạ dày đang sôi réo của bạn. Từ những mẹt hàng ngô, khoai, sắn nướng nằm rải rác trên đường, trong thời gian ngắn, hàng loạt những quầy hàng được mọc lên. Chẳng biết phố nướng được hình thành có phải do nhu cầu, sở thích của du khách trong những đêm se lạnh. Ẩm thực Sapa du khách ăn một lần nhớ mãi.
Hàng chục quầy hàng bán thịt chen cùng ngô, khoai, sắn, chỉ cần một cái thúng và một cái bếp than, vài ba cái ghế nhựa con là đã có nơi thưởng thức món ăn nướng. Còn nữa, trứng gà, vịt nướng, lòng mề lợn cũng thành món nướng. Chim nướng, gà nướng, bánh dày nướng, đậu phụ nhự nướng… Có tới hàng trăm món nướng mà trong vòng một tuần ở đây cũng chưa thưởng thức hết được. Mỗi một món ăn đều có cách tẩm và pha chế gia vị riêng mà ăn nhiều món cùng một lúc bạn không có cảm giác trùng lặp và chán ngán. Thí dụ như món đậu phụ nhự, người ta đem ngâm đậu cho tới khi đậu lên mùi chua nồng. Ai nếu chưa quen sẽ không dễ dàng chấp nhận mùi hương của nó, nhưng cứ thử một lần xem, bạn sẽ mê ngay bởi sự hấp dẫn ở hương vị bùi bùi của đậu tương, ngầy ngậy béo béo nóng ngoài, mát trong của viên đậu phụ nhự. Món bánh dầy nướng được ướp gia vị cùng với ruốc sẽ được nướng khi nào vỏ của bánh vàng suộm, thơm nức mùi gạo nếp sẽ được gắp ra đĩa chờ bạn thưởng thức.
Phở chua Lạng Sơn
Phở là một món ăn đã quá đỗi quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên, phở chua thì lại là cái tên nghe khá lạ tai và có thể bạn chưa từng biết tới. Đây là một đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn, không chỉ lạ về tên gọi mà còn lạ cả về hình thức và hương vị vô cùng độc đáo. Chẳng ai biết chính xác món đặc sản phở chua Lạng Sơn có từ khi nào. Có người nói rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng phở chua chính là một “khúc biến tấu” độc đáo từ món phở nổi tiếng của Hà Nội hay Nam Định. Thế nhưng, dù xuất xứ của nó có như thế nào đi chăng nữa thì suốt bao năm qua, phở chua vẫn là một món ăn với hương vị tuyệt vời, đã làm say lòng biết bao thực khách và trở thành một niềm tự hào của mỗi người dân xứ Lạng. Ngày nay phở chua Lạng Sơn có mặt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là phở chua được sản xuất ở Thất Khê – Lạng Sơn.
Điều làm nên sự đặc biệt của phở chua Lạng Sơn nằm ở chính cách chế biến cầu kỳ của nó. Một bát phở chua thường bao gồm rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như bánh phở, thịt xá xíu, thịt gà xé, hành phi, khoai lang, khoai môn, lạp sườn, xúng xàng, gan lợn… Phở chua Lạng Sơn thường được đựng vào trong một chiếc đĩa lớn. Phía dưới cùng là bánh phở trắng ngần, dẻo dai, tiếp đến là thịt xá xíu, dưa chuột. Lạc rang, khoai lang chiên, hành khô sẽ được rắc lên trên cùng. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau một cách hài hòa và tinh tế để làm nên món ăn không chỉ đẹp về hình thức mà còn ngon về hương vị, khiến bất cứ ai khi nhìn thấy cũng đều muốn thưởng thức ngay lập tức. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều các nguyên liệu lên hoặc không. Phở chua của Lạng Sơn là một món ăn có tính hàn, rất phù hợp để thưởng thức vào những ngày thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn phở chua vào mùa đông khi nước sốt và bánh phở được hâm nóng lên.
Xôi Chim Mường Thanh – Điện Biên
Khi đến với Điện Biên, hãy thưởng thức món xôi chim Mường Thanh, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể quên được, đây chính là món ăn truyền thống trong dịp lễ, tết của người dân nơi đây. Gạo được chon để đồ xôi là loại gạo nếp nương, gạo từ lúa nếp trồng trên nương rẫy. Món ăn này có độ béo ngọt nhờ được chế biến từ những con chim non mới ra ràng (chim -bồ câu đã được 10 – 15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi) nên thịt chim ngọt hơn, đậm đà hơn khi ăn. Xôi được đồ trong chõ gỗ đặc biệt, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm. Sau khi đồ lần thứ nhất, người ta đổ ra rá rồi lấy đũa trải ra cho đều, để một lúc sau lại cho vào chõ và tiếp tục đồ cho đến khi xôi chín đều. Bằng cách đồ như vậy nên cơm xôi sau khi đồ rất mềm và dẻo để được rất lâu.
Xôi chim là món ăn rất dân dã. Trước đây, người ta hay nấu xôi chim để tẩm bổ cho những ngày gặt hái mệt nhọc. Loại chim được sử dụng để nấu xôi là chim ngói bởi vào mùa gặt cũng chính là mùa chim ngói, hơn thế nữa, chim ngói nhiều thịt, thịt vừa thơm lại vừa chắc, ăn ngon không thể tả. Tuy nhiên, hiện nay, chim ngói ngày càng trở nên hiếm, bên cạnh đó thì chim bồ câu có sẵn hơn, vị thịt cũng ngon và ngọt không kém chim ngói nên nhiều người sử dụng chim bồ câu để nấu xôi. Khi ăn, người ta bày xôi trên một chiếc ếp tre (hộp tre đan hình tròn có 2 nửa ép vào nhau), bên dưới lót bằng lá chuối. Đặt xôi lên rồi cho chim đã làm chín lên bên trên, rắc thêm vài tép hành khô chiên vàng, đậy nắp lại để ủ một lúc rồi thưởng thức. Trước đây lên Điện Biên vào dịp Tết Mường Thanh bạn mới được thưởng thức món xôi chim này, nhưng nay nhu cầu của thực khách nhiều nên xôi được làm hàng ngày để phục vụ thực khách nên bạn lên dịp nào cũng có.
Cháo cá Tích Nghi – Bắc Ninh
Quán cháo cá Tích Nghi đã trở thành địa chỉ quen thuộc của mỗi người dân thành phố Bắc Ninh, đặc biệt hấp dẫn trong những ngày đông lạnh giá. Nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 100m, các quán cháo cá luôn là điểm dừng chân của khách ngược xuôi. Ai từ phía Bắc xuống, từ Hà Nội về, nếu có dịp cũng dừng chân để thưởng thức đặc sản của quê hương quan họ. Trong tỉnh, ngoài tỉnh, anh em bạn bè thân tình có thể tiếp nhau bằng mấy bát cháo cá, một bộ lòng cá với đĩa trứng cút và chai rượu nếp Cẩm- vừa ngon, lại thân tình ấm áp.
Nói đến cháo cá Tích Nghi ít ai không biết đây là món ăn đặc sản nổi tiếng và quen thuộc của người dân Bắc Ninh. Đặc biệt, món cháo cá này trở nên ngon và hấp dẫn hơn nếu thưởng thức trong những ngày đông lạnh. Ngoài những làn điệu dân ca quan họ, những chén rượi Cẩm, trầu tem cánh phượng… Khi nhắc đến Bắc Ninh, người ta sẽ nhớ ngay đến món cháo cá. Trong đó, cháo cá có tên Tích Nghi là nổi tiếng nhất. Đây cũng là đặc sản làm nên nét văn hóa ẩm thực của Bắc Ninh cũng như Việt Nam. Món cháo cá này bắt nguồn từ gia đình bà Tích Nghi ở phượng Vệ An. Vào những năm 1977, gia đình có thuê một cái quán nhỏ để bán cháo và xây dựng thương hiệu cháo cá nổi tiếng khắp Kinh Bắc. Và đến nay nó vẫn nổi tiếng khắp Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Chả gà Tiểu Quan – Hưng Yên
Món chả gà Tiểu Quan nổi tiếng xuất phát ở thôn Tiểu Quan xã Phùng Hưng – Khoái Châu – Hưng Yên, ăn ngon nhất vào thời tiết se lạnh. Để có món chả gà ngon, người dân nơi đây làm rất công phu. Từ khâu chọn gà và lấy những phần thịt nào ngon trên con gà để làm chả. Phải chọn những con gà to, khỏe được nuôi ở vườn. Chọn những chỗ thịt nạc, bỏ hết phần gân xương rồi chạt nhỏ cho vào cối giã. Khâu chế biến rất quan trọng để tạo được món chả ngon có hương vị riêng biệt.Thịt gà nhất thiết phải giã bằng tay thì mới ngon, phải giã thật khéo léo để thịt gà không được quá to hay quá nát. Khi giã gần được thì trộn với lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, gừng, mỡ lợn thái hạt lựu và một chút vỏ quýt rồi giã tiếp để miếng chả gà có mùi thơm đặc trưng.
Sau khi giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng là một nghệ thuật, không nên phết thịt mỏng quá hoặc dày quá. Nướng chả phải nướng bằng than hoa, than củi nhãn mới ngon. Người nướng cũng phải thật là khéo léo để chả không bị khô, miếng chả ngon là vừa chín tới đủ độ thơm và ngậy béo. Miếng chả được dọn ra bao giờ cũng vàng óng, có độ kết dính, không bị nứt, thơm mùi thịt gà và thoang thoảng hương vỏ quýt, hạt tiêu. Không giống như các món khác, khi hưởng thức món chả gà cũng có sự khác biệt so với các món ăn khác. Đây là một món ăn lạ độc đáo, có hương vị đặc trưng riêng biệt, ăn chả gà phải nhấm nháp từng chút một mới cảm nhận được hương vị ngọt, thơm cay, ngậy béo. Chả thường được dùng kèm với xôi hoặc cơm trắng.
Chè kho Nam Định
Chè kho Nam Định là một món ăn dân dã đặc sắc và được chế biến rất công phu. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon. Chè khi nấu càng được quấy kỹ và đều tay thì thành phẩm sẽ càng ngon ngọt và để được lâu hơn. Chè kho không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon. Từ những hạt đỗ được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận ấy, đem ngâm no nước rồi đãi sạch. Sau đó, rắc lên vài hạt muối, để ráo nước rồi đem rang trước khi xay thành bột mịn.
Có bột rồi, lấy đường trắng hoặc đường phèn vào nước sôi để nguội đánh tan đường rồi trộn đều với bột và đem đun nhỏ lửa, từ đó khuấy liên tục và phải thật đều tay. Công đoạn này đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ và sự khéo léo của người nấu. Bởi, chỉ cần chểnh mảng một chút thôi là chè sẽ bị khê cháy. Khi thấy tay khuấy nặng dần, bột từ loãng thành đặc phải đợi bột sôi thêm một lúc nữa và từ từ loãng ra thì đó là lúc món chè kho đã hoàn thành. Nhìn nồi chè kho vàng sáng mịn, ăn có vị ngọt đậm, thoang thoảng mùi thơm của đỗ mới thấy được cái tài tình cũng như công sức của người nấu. Múc chè ra đĩa, để thật nguội, rắc một chút vừng rang rồi nén lại thật chặt. Một đĩa chè như thế có thể để đến 10 – 15 ngày, không cần đến khâu bảo quản nào mà ăn vẫn thơm ngon. Đó là cái độc đáo mà không vị chè nào có được, bởi trong chè đã có một lượng đường khá lớn so với những món ăn ngọt khác.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Nổi tiếng là đặc sản Hải Dương thương hiệu bánh đậu xanh Hải Dương đã dần khắc ghi hình ảnh của mình vào tâm trí người tiêu dùng nhờ vào hương vị mộc mạc, gần gũi, ngọt ngào mà lại thanh đạm, không hề bị ngấy cùng hương thơm của đậu xanh nguyên chất không hề pha trộn. Màu vàng ươm của bánh, vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi khi thưởng thức cùng chén trà nóng càng làm người thực khách đã một lần nếm thử cứ vấn vương bởi không thể lẫn vào đâu được cái hương vị mà có lẽ chỉ tại Hải Dương này mới làm ra một loại bánh đậu xanh ngon như thế. Nguyên liệu chính làm nên món này chính là đậu xanh, khi chọn đậu, hạt đậu phải trải qua một quy trình chọn lọc rất nghiêm ngặt để đảm bảo bánh được ngon nhất.
Hạt đậu phải được phơi khô, không mốc. Đem rang chín, khi đã chín thì đem xay rồi bóc vỏ, nghiền thành bột. Mỡ phải còn tươi, mang rán với lửa vừa phải để có những giọt mỡ trong và thơm để tạo được độ béo ngậy cho bánh. Đường kết tinh hòa cùng nước, cùng lòng trắng trứng. Hoa bưởi chưng cất lấy tinh dầu. Bánh đậu xanh dùng ngon nhất là kèm với nước trà xanh, khi ăn không nên vội vàng mà thong thả, nhâm nhi một chén trà mới cảm nhận được hết độ ngon, béo, mát dịu, thanh đạm của bánh cùng hương thơm thoang thoảng của tinh dầu bưởi khiến thực khách ăn hết lúc nào không hay.
Phở Hà Nội
Phở Hà Nội không chỉ là món ăn riêng biệt của mảnh đất Hà Thành, mà nó còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực Việt Nam được nhiều du khách quốc tế trong và ngoài nước yêu thích. Hiện nay, phở Hà Nội đã có mặt ở nhiều địa phương khác trên tỉnh thành Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận rằng tại nơi đây mới là ngon nhất. Từ những năm 1930, phở trở thành món ăn quen thuộc trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Trên những con phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội xưa đến nay, không khó để bắt gặp những gánh phở rong từ mờ sáng tới tận khuya, thơm mùi đặc trưng của vị phở truyền thống. Cũng đã đi qua bao năm tháng, tới nay phở vẫn lưu truyền và gìn giữ. Nó trở thành thứ đặc sản không chỉ của thủ đô mà là thương hiệu ẩm thực vang danh Việt Nam. Không chỉ được người dân yêu thích mà bát kỳ du khách nước ngoài nào tới nước ta cũng đều không thể bỏ qua món ăn đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Thành phần chính của phở là bánh phở và nước lèo, hòa chung cùng những loại gia vị như tiêu, chanh, mắm ớt … và các loại rau ăn kèm như ngò gai, rau mùi, rau húng. Bánh phở theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Nước dùng cho nồi phở thường là nước dùng được ninh từ xương bò, sá sùng kèm nhiều loại gia vị bao gồm quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng. Sau khi hoàn thành nước lèo, cho bánh phở vào tô rồi trụng qua nước sôi, rồi cho nước dùng vào tô đã sắp sẵn bánh phở, thịt bò và hành lá trong đó đã có thể thưởng thức. Nên dùng nóng sẽ cảm nhận hết được hương vị đặc biệt của phở Hà Nội. Phở Hà Nội đơn giản thế thôi mà đã trở thành món ăn yêu thích của tất cả bạn bè quốc tế và mang nét đẹp ẩm thực Việt Nam.
Thịt dê Ninh Bình
Nếu du khách đến đất cố đô mà chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình. Có rất nhiều món được chế biến từ thịt dê rất hấp dẫn như: Dê áp chảo, dê nướng, dê quay, dê hấp, tiết canh dê… Món tái dê có thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung… vị bùi bùi ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức. Vị ngon đặc trưng của dê Ninh Bình là do cách chăn nuôi nơi đây. Người dân không nhốt dê trong chuồng trại như ở các vùng khác mà thả tự do trên núi. Con vật leo trèo trên vùng địa hình hiểm trở nên thịt săn chắc và ít mỡ.
Thịt dê có chất lượng tốt do được ăn các loại rau cỏ mọc tự nhiên, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Vùng núi đá vôi ngập nước 250 triệu năm còn có những loại rau rừng ăn kèm thịt dê càng khiến món ăn thu hút thực khách nhiều vùng miền. Theo đúng chuẩn, thịt có độ mềm vừa phải, không quá dai, có mùi hơi hôi đặc trưng nhưng không nồng như dê vùng khác. Khi ăn, bạn dùng kèm chanh, gừng, ớt, sả, riềng, lá sung, lá mơ, chuối xanh cùng các loại rau sống để làm bớt mùi hôi và làm nổi độ ngọt của thịt lên.
Nem chua Thanh Hóa
Ẩm thực Thanh Hóa khá đa dạng với rất nhiều món ăn như: Nem chua, bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa, bánh ích… Tuy nhiên, món nem vẫn là đặc sản được nhiều du khách thập phương biết đến bởi hương vị rất đặc trưng, khác biệt với nem của nhiều vùng miền trên cả nước. Thưởng thức món nem của xứ Thanh, bạn sẽ phải say đắm với vị giòn, ngon của bì lợn, vị chua của thịt, vị cay của ớt, tỏi… Bên cạnh đó, người dân còn khéo léo cho thêm vị nồng của lá đinh lăng tạo nên một hương vị ẩm thực ngon khó tả. Những chiếc nem chua hình trụ thường xuất hiện nhiều trong bữa cơm gia đình của người dân Thanh Hóa. Món ăn này có thể ăn kèm với tương ớt cay, tạo nên vị nồng ngon hơn. Bên cạnh đó, nét riêng biệt của đặc sản Thanh Hóa còn phụ thuộc vào công thức chế biến nem gia truyền, thời gian ủ nem linh hoạt theo từng mùa, tạo nên vị chua vừa đủ.
Nếu bạn là một tín đồ ăn uống thì những cách ăn nem Thanh Hóa sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên bởi sẽ có khá nhiều cách ăn độc đáo. Thứ nhất, bạn có thể ăn trực tiếp ngay sau khi nem chín. Các nguyên liệu khi chế biến nem đều được tẩm ướp sẵn, vì vậy khi chín, ăn trực tiếp vẫn sẽ giúp cho người ăn cảm nhận được vị ngon của loại nem này. Nhiều người thường thắc mắc nem chua Thanh Hóa chấm gì ngon nhất, kinh nghiệm chia sẻ từ nhiều người thì tương ớt vẫn là lựa chọn số 1 mà bạn nên thử. Thứ hai, nướng nem chua ngọt. Cách làm món ăn này cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một vài nguyên liệu như nem, ớt xanh, hành tây, các loại gia vị để tẩm ướp. Sau khi ướp khoảng 20 phút rồi đem nướng sẽ có một món ăn khá lạ miệng và ngon. Đây cũng là món ăn phù hợp khi đi dã ngoại. Thứ ba, làm nem chua rim tỏi ớt. Bạn chỉ cần rim nem chua tương tự như rim thịt, sườn cùng với các gia vị tỏi, ới sẽ có ngay một món ăn khá hấp dẫn.
Cu đơ Hà Tĩnh
Mới đầu kẹo cu đơ ra đời để nuông chiều thói hảo ngọt thời đói kém. Sau một thời gian, thức quà ấy bỗng trở thành đặc sản Hà Tĩnh được người người “săn đón” mua làm quà biếu nhân chuyến du lịch. Thoạt đầu khi mới nghe tên kẹo Cu Đơ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng. Thực chất đây là loại kẹo đậu phộng hay còn gọi là kẹo lạc với công thức truyền thống. Nghề nấu kẹo tại Hương Sơn cứ thế lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên sau nạn đói năm 1945, nghề kẹo lạc bỗng nhiên phát triển mạnh mẽ. Đằng sau cái tên thú vị này là những câu chuyện cực kỳ thú vị. Có một thuyết nữa về nguồn gốc đặc sản Hà Tĩnh này khá thú vị. Tương truyền, nghề nấu kẹo cu đơ tại Hà Tĩnh được một cặp vợ chồng nghèo tạo nên. Gần đến ngày người con trai cả lấy vợ, họ lúng túng chẳng biết lấy gì để thiết đãi hàng xóm cho phải phép.
Trong tình cảnh khó khăn này, ông bố bèn đánh liều lấy mật mía và lạc sẵn có ra nấu thử. Ông mang lạc rang giòn đổ vào nồi mật mía rồi khuấy đều tay.Người vợ thử thấy thiếu vị liền lấy củ gừng ngoài vườn, rửa sạch, thái sợi rồi bỏ vào nồi khuấy đều. Khi hàng xóm ăn thử ai cũng phải gật đầu khen ngon. Điều thú vị là mọi người sau khi ra về lại lấy thêm nắm gạo trắng, giã bột, hòa với nước rồi nướng thành bánh tráng nhỏ vừa tay. Để thể hiện tình cảm gia đình, ông quyết định lấy tên con trai đặt tên cho món ăn là kẹo cu hai. Sau thời gian dài. một người Pháp đến Việt Nam lần đầu nếm thử đã tấm tắc khen ngon và gọi đặc sản Hà Tĩnh này là kẹo cu Duex, đọc trại là kẹo cu đơ.
Mì quảng Đà Nẵng
Được xác định ngay từ tên gọi, mì quảng Đà Nẵng là món ăn được bắt nguồn từ Quảng Nam – Đà Nẵng xưa. Còn từ mỳ ý nói đến chất liệu bột để làm nên sợi, nhưng thực chất sợi mỳ lại làm từ bột gạo. Sở dĩ có tên gọi như vậy, theo nhiều tài liệu, mỳ quảng được ra đời từ sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Tàu. Vào thế kỷ 16, dưới thời chúa Nguyễn, đất Hội An trở thành nơi buôn bán ngoại thương đông đúc với thương nhân nước ngoài, và với sự trù phú ở đây, người Tàu đã du nhập vào Quảng Nam – Đà Nẵng xưa khá nhiều, mang theo cả những món ăn đặc sản của họ, trong đó có những món ăn làm từ bột mỳ kha khá giống với món mỳ quảng bây giờ. Mì quảng có khá nhiều phiên bản khác nhau như mỳ gà, mỳ cá lóc, mỳ tôm thịt, mỳ bò; hay gần đây còn có sự xuất hiện của mỳ ếch. Mỳ quảng không phải là món khó nấu, nhưng lại cầu kỳ bởi nhiều công đoạn.
Một tô mì Quảng ngon phải đầy đủ màu sắc với các thành phần nguyên liệu tôm, thịt, trứng; ngoài ra còn có nước lèo, rau sống 9 vị, thêm cả đậu phụng rang, bánh tráng mè và nước chấm, đồ gia vị chanh, ớt. Sợi mỳ ngon phải vàng tươi, mềm mại mà lại dẻo dai. Ăn mỳ quảng Đà Nẵng phải ăn với loại ớt xanh, to mới ngon đúng điệu. Mùi vị đậm đà cộng chút vị ớt the cay đặc trưng tạo nên một món ngon tuyệt hảo. Ngoài ra, mỳ còn được dùng kèm với bánh tráng mè. Có thể chấm bánh tráng với nước lèo hoặc một số người thì thích bẻ vụn bánh trộn chung trong tô mỳ. Mỳ quảng quê phải ăn kèm với rau sống, mà phải là 9 vị rau sống sau thì mới tạo nên hương vị nồng nàn đặc trưng được, đó là: húng, quế, xà lách tươi, cải non mới nụ, giá trắng có thể được trụng chín hoặc để sống, ngò rí , rau răm với hành hoa thái nhỏ và thêm hoa chuối cắt mỏng.
Thịt nai Đắc Lắc
Thịt nai Đắc Lắc nổi tiếng không phải vì thịt nai nơi đây là ngon nhất, mà bởi vì 2 lý do chính: Một là do thịt nai rất khó tìm ở vùng đất này, nên thịt nai trở thành đặc sản và được chế biến hết sức tỷ mỷ, công phu; hai là do hương vị trong cách chế biến thịt nai của người Đắk Lắk rất khác biệt, giản dị nhưng tinh tế bởi thế mà thịt nai Đắk Lắk luôn làm ấm lòng người thực khách bốn phương. Món ăn tại Đắk Lắk chế biến từ thịt nai rất phong phú. Thực khách có thể thưởng thức thịt nai với 7 cách chế biến khác nhau, món nào cũng có hương vị đặc trưng và giá trị khác nhau, bao gồm 7 món: thịt nai nướng, thịt nai xào, thịt nai nhúng mẻ, sườn nai rán, giấm nai lúc lắc, cháo bao tử nai và khô nai.
Đối với các món như sườn nai rán, giấm nai lúc lắc, cháo bao tử nai thì đòi hỏi thời gian và công đoạn thực hiện nhiều hơn, tuy nhiên đa phần người dân ở đây cũng như thực khách phương xa luôn ưa chuộng hơn một tí đối với các món chế biến từ nai có phần nguyên thủy, đơn giản trong cách thực hiện nhưng giữ được trọn vẹn nhất và tôn lên được vị ngon nhất của thịt nai, đó chính là các cách chế biến nướng và làm khô. Chỉ với nguyên liệu là thịt nai nhưng bằng nhiều cách chế biến khác nhau, vùng đất của ẩm thực rừng núi này đã mang lại cho thực khách những trải nghiệm thú vị. Vì vậy nếu có dịp bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn ngon từ thịt nai này nhé!
Cá lăng nướng than Đắk Nông
Cá lăng nướng Đắk Nông – đặc sản của núi rừng được rất nhiều du khách yêu thích. Người dân nơi đây thường nói vui nếu ai đến Đắk Nông mà chưa thưởng thức cá lăng nướng thì chưa được xem là đã đến đây. Để chế biến đặc sản Đắk Nông – cá lăng nướng người dân ở đây thường bọc cá lăng trong một loại lá rừng rồi mới đem nướng. Cá lăng được đánh bắt từ dòng sông Sêrêpôk, thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai và thơm phức. Thêm một ống cơm lam, một đĩa gà nướng là bữa ăn của bạn đã mang đậm “chất” đại ngàn. Cá lăng nướng Đắk Nông là đặc sản rất tuyệt vời những viên thịt cá nướng thơm ngậy, vàng rộm được xếp lên đĩa, nổi bật giữa màu xanh của chuối, rau thơm và bát nước chấm sóng sánh đủ sắc, chỉ nhìn thôi cũng thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi rồi.
Đặt một miếng cá lăng lên bánh cuốn có sẵn rau sống, lát chuối xanh, khế, dứa, bún cuộn lại chấm nhẹ trong bát mắm đủ vị của tỏi, chanh, ớt đường pha vừa miệng. Tất cả cứ lan tỏa dần trên đầu lưỡi. Vừa ăn, vừa nhâm nhi một chút rượu mạnh cùng cà kê với bạn bè, gia đình thì còn gì thú vị bằng. Cá lăng nướng than Đắk Nông là đặc sản núi rừng được rất nhiều du khách ưa thích. Cũng giống như những câu nói vui đùa như không ăn mì Quảng Đà Nẵng thì coi như chưa đến Đà Nẵng, ở đây cũng vậy, người dân địa phương thường nói với nhau rằng, những ai đến với Đắk Nông mà chưa thưởng thức cá lăng nướng thì chưa được xem như là đã đến đây. Món cá lăng nướng mà thêm ống cơm lam và một đĩa gà nướng thì bữa ăn của bạn đậm chất núi rừng vùng cao luôn bạn nhé.
Bún sứa Nha Trang – Khánh Hòa
Nha Trang được nhiều người biết đến bởi những vẻ đẹp tự nhiên với những bờ biển xanh trải dài, con người thân thiện. Ngoài ra, thành phố này còn nổi tiếng từ các món ăn dân giã, bình dị. Trong các món ngon Nha Trang, thực khách thường kể đến món bún sứa mang hương vị đặc trưng của vùng biển này. Món ăn này sẽ giúp cho chuyến du lịch Nha Trang của bạn thêm trọn vẹn. Vào mùa hè, bún sứa rất bổ dưỡng và có công dụng giải nhiệt cao. Có thể nói, bún sứa là món ăn đặc sản Nha Trang, mà du khách có thể tìm thấy ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Món bún sứa xuất hiện ở mọi ngõ ngách trong thành phố, bên bờ biển. Cụ thể, bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin – Bà Triệu…
Bún sứa Nha Trang mang nét đặc trưng, không giống những vùng khác. Chính vì vậy, người dân địa phương và du khách đều yêu thích món ăn mang đậm hương vị biển này. Để chế biến món ăn ngon tại Nha Trang này, người làm không cần quá kỳ công hay mất nhiều thời gian. Nguyên liệu đều mang đậm hương vị biển, chính vì vậy, món ăn rất hạn chế dùng gia vị mà đều có sẵn độ mặn, ngọt của các loại hải sản. Nước dùng của bún sứa cũng trong veo từ cá, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng. Khi thưởng thức bún, chủ quán sẽ trần bún qua nước sôi, cho vào bát, thêm những miếng sứa trong vắt giòn lên trên, một vài miếng chả cá, chan cùng nước lèo thơm lừng nóng hổi, điểm tô thêm vài cọng giá đỗ trắng, cùng một chút rau xanh. Chỉ cần nhìn tô bún bốc hơi nghi ngút, thực khách sẽ muốn được thưởng thức ngay.
Bánh tráng nướng Đà Lạt – Lâm Đồng
Bánh tráng nướng Đà Lạt ai đã từng thưởng thức qua một lần, khó mà quên được, dẫu có quay về cũng lưu luyến mãi những hương vị tuyệt diệu ấy. Xứ sở ngàn hoa không những nổi danh với muôn ngàn loài hoa khoe sắc rực rỡ mà Đà Lạt còn hấp dẫn du khách với nhiều món ngon hấp dẫn. Nào là tô bún bò nóng hổi trong thời tiết lạnh giá, đĩa bánh căn giòn béo với vài miếng đu đủ bào sợi hấp dẫn, tô bánh canh cũng là lựa chọn không tệ cho những bữa ăn sáng hay món nem nướng đậm đà cho các cô nàng thích ăn vặt. Khó có thể bỏ qua món bánh tráng nướng Đà Lạt thơm nức mũi trên bếp than đỏ rực, ngay ven đường hoặc quán xá vỉa hè mỗi khi dạo chơi chợ đêm Đà Lạt, thật đặc biệt.
Nguyên liệu chính của món bánh tráng nướng này dĩ nhiên là bánh tráng, trứng gà, tép khô và hành lá. Vì thành phần đơn giản cho nên giá một chiếc bánh chẳng là bao, khá rẻ tiền, ai ai cũng có thể nếm thử. Không ít du khách phương Tây khi đến với Đà Lạt, thưởng thức món ngon này, đều hết lời ca ngợi và ví nó như là món ‘pizza’ của riêng Đà Lạt. Mà sở dĩ có cái tên gọi này cũng bắt nguồn từ ngoại hình của nó. Món bánh tráng nước bắt nguồn từ vùng đất Nam Bộ đã làm điêu đứng biết bao trái tim người đam mê ẩm thực. Bánh tráng khi nướng lên, thêm quả trứng gà nên có màu vàng, chút hành lá xanh xanh và những con tép khô giòn rụm, phủ đều, trông nó chẳng khác nào một chiếc bánh pizza cỡ trung. Ghé vào hàng quán bên đường, gọi vài chiếc bánh tráng nóng giòn, vừa ăn vừa thở phào nhẹ nhõm trong tiết trời giá lạnh.
Bánh xèo Phan Thiết – Bình Thuận
Nói về ẩm thực Phan Thiết người ta thường hình dung đến hải sản, đến nước mắm thơm ngon, đến những chiếc bánh căn Phan Thiết nổi tiếng, chẳng ai nghĩ rằng những chiếc bánh xèo Phan Thiết cũng được xếp vào một trong số loại bánh ngon trứ danh của thành phố biển khá sầm uất này. Đi du lịch đến miền đất nào, du khách cũng bắt gặp món bánh xèo được xem như một biểu tượng chung về loại bánh thôn dã của làng quê Việt Nam gắn liền với lúa gạo. Tuy thế, ở mỗi vùng miền, bánh xèo lại có một hương vị rất khác và mang nét tinh tế của riêng mình. Nếu như đến Huế có bánh khoái, về miền Tây có bánh xèo Nam Bộ thì đến Bình Thuận Phan Thiết, du khách cũng được thử những chiếc bánh xèo mang hương vị rất riêng chỉ của người Phan Thiết Bình Thuận mà chẳng lẫn vào hương vị bánh xèo của các nơi khác. Bánh xèo Phan Thiết rất bùi và có độ giòn rất khéo, một vị bùi khá đặc biệt bởi trong bột đổ bánh ngoài chút nước cốt dừa như bột bánh xèo của miền Tây, còn có chút đậu xanh.
Khi đổ bánh, người Phan Thiết thường đổ bánh trên khuôn đất được làm từ gốm của người Chăm, phải chăng điều độc đáo này đã khiến bánh xèo Phan Thiết đặc biệt hơn chăng? Cũng có thể là thế lắm chứ bởi các vùng khác thường đổ bánh xèo trên chảo gang nhỏ không thì chảo inox chảo nhôm với các cỡ lớn nhỏ khác nhau…Một phần nữa làm cho bánh xèo Phan Thiết khác biệt là ở nước chấm. Muôn thuở là vậy, trong các món ăn dù ở vùng miền nào cũng thế, nước chấm thật sự giữ một vai tròn không nhỏ trong việc hình thành nên hương vị đặc trưng chẳng hề dễ nhầm lẫn. Nước chấm trong món bánh xèo Phan Thiết tuy không có gì nổi trội so với nước chấm trong món bánh xèo của các vùng miền khác, song cái vị đậm đà của cà và nước cốt me cùng chút bùi của đậu phụng rang giã nhuyễn, đã biến món bánh xèo giản dị trở thành như một món ăn rất tinh tế nào đó chứ không phải một món bánh ăn chơi bình thường.
Bánh tráng me Tây Ninh
Bánh tráng me là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ đạo là bánh tráng phơi sương và nước sốt me, dùng để trộn với các loại gia vị và chấm hoặc cuốn ăn, món ăn này từ lâu đã trở thành những ký ức đẹp không thể thiếu của tuổi học trò và quãng đời sinh viên cho nên nó có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ trường học nào. Thực sự mà nói thì cũng không ai biết món ăn này có từ khi nào nhưng lần đầu mình thưởng thức nó là từ những năm cấp 2, nếu tính cho đến năm 2019 thì đã hơn 18 năm rồi. Và cũng may mắn là nơi đã sáng tạo ra món ăn này cũng nằm dọc theo con đường đến trường của mình – đường Lê Văn Thời, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Cho đến nay có nhiều người tự nhận mình đã làm ra món bánh tráng me này nhưng theo mình, con đường này là nổi tiếng nhất nếu bạn muốn tìm một nơi bán bánh tráng me chính gốc.
Thành phần của một bịch bánh tráng me Tây Ninh gồm có bánh tráng phơi sương từ 3 – 4 cái được xếp phần 4 lại cho vào bịch nylon để tránh cho bánh bị khô, nước sốt me được cột vào bịch chắc chắn hoặc ép vào hũ nhựa. Đậu phộng rang được giã nhỏ ra để có thể dễ dàng hòa quyện với nước chấm. Hành phi và ớt khô tự làm là ngon nhất. Món ăn này ngon hay dở là 99% phụ thuộc vào nước sốt me cho nên nếu bạn đã lỡ ghiền nước sốt này rồi thì bạn chỉ có thể tiếp tục mua nó ở chỗ cũ mà thôi hoặc bạn có thể tự làm tại nhà để dành phục vụ cho đầu lưỡi ngay mỗi khi nó lên cơn mà thôi. Mấu chốt nguyên liệu ở đây là muối ớt Tây Ninh vì trong thành phần của nó đã có tỏi, ớt, bột ngọt và muối cho nên chỉ cần tìm mua loại muối ớt đặc biệt càng ngon thì nước sốt me càng đậm đà.
Cơm Tấm Sài Gòn
Nhắc đến Sài Gòn, chắc hẳn là không thể không nhắc tới cơm tấm. Đi dạo một vòng Sài Gòn thì có mười tiệm bán đồ ăn trưa tối thì mất 5 tiệm là bán cơm tấm rồi. Cơm tấm được người Sài Gòn rất chuộng, họ ăn trong mọi bữa ăn. Vì nó cực dễ ăn, dễ làm và lại cực kì phù hợp với khẩu vị người Sài Gòn, nên những tiệm cơm tấm dù nhiều tới đâu cũng chẳng bao giờ là vắng khách, dù bất kể là sáng sớm hay tối khuya. Cơm tấm thật ra là một món ăn khá bình dân và phổ biến của người Sài Gòn. Vốn nó được làm ra từ những hạt gạo loại, gạo gãy, ăn khá khô chứ không có được dẻo như những loại gạo khác. Nhưng sau này, qua những biến đổi thú vị cùng thời gian cơm tấm trở thành một món ăn đặc trưng phổ biến nhất Sài Gòn. Trong quán cơm dù cao sang hay bình dân, đều không thể thiếu món ăn quen thuộc này.
Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian và kèm theo một chút tỉ mỉ là bạn đã có một món ăn vô cùng hấp dẫn để chiêu đãi gia đình và bạn bè rồi! Ngày nay, cơm tấm Sài Gòn đã có mặt cả ở ba miền nhưng có lẽ cơm tấm ở Sài Gòn vẫn là ngon nhất, bởi hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Cơm tấm Sài Gòn là món vô cùng thơm ngon, nguyên liệu hài hòa, bao gồm cả thịt và rau xanh, rất tốt cho sức khỏe, kết hợp với nước mắm đặc trưng tạo nên một món ăn ngon không thể cưỡng nổi với bất kể một ai. Tuy là món ăn phổ biến và quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết cách để làm món ăn này. Hôm nay chuyên mục Món ngon mỗi ngày của PasGo sẽ hướng dẫn bạn cách để làm món cơm tấm Sài Gòn đơn giản mà đúng điệu.
Gỏi ba khía Bạc Liêu
Hình ảnh con ba khía đã rất thân quen với người dân vùng sông nước miền Tây. Ba khía trước kia chỉ được biết đến với món mắm dành cho người nghèo. Ngày nay, nền ẩm thực đa dạng hơn, ba khía được chế biến thành nhiều món ngon phục vụ cho thực khách. Ba khía giờ đây là món đặc sản, bất cứ ai về miền Tây đều muốn được thưởng thức cái hương vị miệt vườn sông nước đặc trưng này. Ba khía có khắp ở các vùng nước lợ của đồng bằng sông Cửu Long nhưng dân sành ăn nói ba khía ở Bạc Liêu là ngon hơn cả. Ở đây, ba khía vừa mềm giòn vừa đậm đà vừa mang hương vị đặc trưng của một loại thức ăn đặc sản. Ba khía còn tươi, sơ chế sạch sẽ, tách mai rồi trộn đều với tỏi, ớt, bột ngọt, đường, nước cốt chanh rồi để ngấm gia vị từ 15-30 phút. Vậy là đã có món ba khía trộn độc đáo, thơm ngon. Ngày xưa, người dân, chỉ cần chuẩn bị một chút ba khía như vậy rồi mang theo đi làm đồng. Ba khía ngấm gia vị ăn cùng với cơm trắng là đã có bữa cơm ngon miệng.
Ngoài ra còn có một số cách chế biến ba khía khác như luộc nước dừa, luộc chấm muối tiêu chanh, nấu canh giải nhiệt cho bữa cơm mùa hè nóng bức… Và dù được biến tấu dưới hình thức nào thì hương vị ba khía Bạc Liêu cũng giữ nguyên sự thơm ngon, đậm đà, đặc trưng của xứ Bạc Liêu. Đây vẫn là sợi dây vô hình “níu giữ” bước chân thực khách về với Bạc Liêu. Cách chế biến ba khía kiểu truyền thống là rang me, rang muối… Các món này phù hợp trong những cuộc gặp gỡ người thân, bạn bè. Hương vị giòn tan, hơi có thêm vị mặn, vị chua khiến cho món ba khía trở nên hấp dẫn, vui miệng. Chế biến món này không khó. Ba khía làm sạch rồi bẻ các càng ba khía ra, chẻ nhỏ phần thân cho vừa ăn sau đó cho lên chảo đảo đều với muối tôm hoặc xào cùng với nước me. Khi món chín có thể cho thêm đậu phộng rang lên trên bề mặt là trở thành món ngon dân dã nhưng hấp dẫn còn hơn cả sơn hào hải vị.
Bánh pía sầu riêng Sóc Trăng
Bánh pía là một trong những đặc sản của Sóc Trăng, do người Hoa di cư vào miền Nam sáng tạo ra. Bánh pía được làm từ bột mì nhào mỡ nước từ heo. Vì lý do thương mại, người sản xuất thường dùng phẩm đỏ in tên hoặc nhãn hiệu của nơi làm bánh trực tiếp lên mặt bánh. Ngoài ra, thành phần nhân bánh, nguồn gốc xuất xứ cũng thường được in trực tiếp lên bánh. Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu, những chiếc bánh pía nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo và đậu xanh, loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ. Từ pía có gốc từ tiếng Triều Châu “pi-é”, âm Hán Việt có nghĩa là bánh. Bánh do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Các lò bánh pía tập trung nhiều ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Dần dần, người ngoài miền Bắc học cách làm bánh từ chiếc bánh pía nhân thịt của người Tiều mà tạo ra loại bánh trở thành đặc sản Hà Nội – bánh chả. Từ bánh chả Hà Nội đã cho ra đời bánh nướng Trung thu.
Bánh pía Sóc Trăng có kích cỡ vừa phải, vỏ mỏng và mềm hơn, nhân dẻo và được dùng khi còn nóng hổi. Bánh pía ngày trước cũng khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo chứ không có lòng đỏ trứng muối và các loại thành phần khác như hiện nay. Do thị hiếu của người tiêu dùng mà các lò bánh mới thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, lòng đỏ trứng muối. Hiện nay, với sự phát triển của nền ẩm thực thế giới nên bánh pía có thêm nhiều loại hình mới như bánh pía khoai môn, bánh pía lạp xưởng… Đặc biệt ở Đài Loan còn có bánh pía nhân kem chảy vì khi cắn thử miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được nhân bánh đang tan chảy ngay trong miệng. Bánh được đóng gói và bảo quản kỹ hơn nên dùng được lâu hơn, và điều đặc biệt và hộp đựng bánh được phân ra thành từng cái chứ không đựng chung bốn cái 1 hộp như trước đây nữa giúp thực khách có thể sử dụng dễ dàng hơn.
Bánh khọt Vũng Tàu
Vũng Tàu từ lâu đã được xem là một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách bởi những vẻ đẹp tự nhiên của mình. Bên cạnh phong cảnh hữu tình, Vũng Tàu còn nổi tiếng với ẩm thực. Đặc biệt, khi nhắc đến địa điểm du lịch Vũng Tàu, bạn không thể không nhắc đến món bánh khọt, một món ăn đặc sản vô cùng bình dị và dân dã nhưng mang đậm hơi thở riêng biệt nơi đây. Người dân địa phương gọi là bánh khọt bởi khi lấy bánh ra khỏi khuôn, người ta dùng loại muỗng dẹt và dài để “khẩy” lên, muỗng va chạm vào thành khuôn phát ra tiếng kêu “khọt khọt”. Bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu để làm bánh cũng không có gì cầu kỳ, khó kiếm. Được làm từ bột gạo, thế nhưng lại không giống như các loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh khọt chỉ được làm từ một thứ bột gạo và không pha cùng nước cốt dừa hay bất cứ một thứ bột nào khác. Cách làm bánh khọt giòn, mềm tuy không cầu kỳ nhưng lại cần sự tỉ mỉ và tinh tế.
Chế biến bánh khọt quan trọng nhất vẫn là ở khâu pha bột, đòi hỏi một bí quyết riêng cũng như sự khéo léo từ đôi bàn tay của đầu bếp, đây chính là công đoạn quyết định đến vị ngon của bánh. Bột gạo được pha với nước theo một tỉ lệ nhất định. Nếu pha đặc quá, bánh sẽ bị đặc, bở; còn nếu bột lỏng quá thì bánh sẽ mỏng và không ngon. Chiếc bánh đạt chuẩn là không quá dày cũng không quá mỏng, khi ăn giòn nhưng vẫn giữ được độ dai nhất định. Đặc biệt, muốn bánh ngon thì bột phải được xay ngay từ tối hôm trước, rồi để bột qua một đêm, có như vậy bột mới không bị nhão, chảy và làm ra chiếc bánh giòn ngon. Nhân bánh khọt được làm từ tôm tươi. Tôm được cắt bỏ đầu, lột vỏ, rửa bằng nước sạch rồi để ráo. Ngoài phần nhân là tôm tươi, phần tôm cháy màu vàng làm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho những chiếc bánh khọt thơm ngon này.
Bánh tằm Ngan Dừa Bạc Liêu
Ngoài việc nổi danh là vùng đất anh hùng, có bề dày truyền thống trong đấu tranh cách mạng thì huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) còn là nơi được nhiều du khách biết đến bởi các món ăn dân dã, miệt vườn. Nổi tiếng nhất phải kể đến món bánh tằm tại thị trấn Ngan Dừa. Nghề làm bánh tằm ở đây đã có từ rất lâu đời. Chính yếu tố vùng đất và con người đã làm nên sự khác biệt của bánh tằm Ngan Dừa so với những nơi khác. Cách làm bánh chính là công đoạn quan trọng nhất. Để có được cọng bánh thơm dẻo, mềm mại trắng phau đòi hỏi người làm phải vô cùng kĩ lưỡng. Nguyên liệu làm bánh tằm Ngan Dừa đòi hỏi phải là gạo tẻ lúa mùa chính hiệu của địa phương. Người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi se hồ thành từng dây dài to bằng thân con tằm. Bánh se xong đem hấp trong xửng. Sở dĩ khi hấp chín cọng bánh không dính vào nhau nhờ lớp bột rây trước khi se hồ.
Do được chế biến từ bột gạo lúa mùa nên cọng bánh rất thơm ngon, dẻo dai và được xe thủ công nên cọng bánh thô to có cảm giác “xừn xựt” khi nhai tạo cảm giác thú vị khó quên. Đặc sắc ở đây còn có sự hiện diện của viên xíu mại theo phong cách ẩm thực của người Hoa (Triều Châu). Để có viên xíu mại ngon, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng với củ sắn đã vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín. Ngoài ra, bánh tằm Ngan Dừa càng đậm đà bởi sự kết hợp của sợi bì nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho ngon. Cho bánh tằm lên một nửa dĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm dẹp kế bên. Chan lên mặt bánh nước sốt cà chua, nước mắm giấm đường tỏi ớt, dùng đũa trộn đều lên. Sự hòa quyện từ sự dẻo ngon phưng phức của cọng bánh cùng sợ bì làm công phu tạo nên mùi thơm vương vấn.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Bánh tét lá cẩm gia truyền ở Cần Thơ nổi tiếng ngon, vị lạ không nhầm lẫn với vùng quê khác. Để có một mẻ bánh tét lá cẩm ngon, quá trình chế biến rất công phu. Trước tiên phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm qua 6 tiếng sau đó để ráo, trộn với nước lá cẩm để lên màu tím đẹp mắt. Lá cẩm phải còn tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Sau khi ngâm nếp tương đối mềm thì sẽ xào chung với nước cốt dừa, nêm muối, đường trong thời gian khoảng một tiếng để màu lá cẩm và vị bó của nước dừa ngấm vào từng hạt nếp. Nhân bánh tét lá cẩm khá đa dạng, có thể bên trong là đậu xanh, thịt, trứng muối, có thể thêm tôm khô hoặc chỉ đơn giản là nhân chuối.Bánh được gói trong lá chuối tươi, không quá non cũng không quá già, được lau sạch và thoa một lớp dầu trên bề mặt để tránh nếp dính vào lá khi nấu. Công đoạn gói chính là lúc cần đến đôi bàn tay khéo léo, bánh đẹp phải đảm bảo tròn đều, sao cho nhân bánh là thịt, hay trứng muối, lạp sườn, thậm chí là nhân chuối với bánh tét chay phải được nằm đúng ở vị trí chính giữa của bánh.
Chưa hết, khi buộc bánh người thợ còn phải có sự tinh tế để cảm nhận độ giằng chắc vừa đủ. Khâu luộc bánh cũng quan trọng không kém. Bánh tét phải luộc củi mới ngon, rền, để lâu bánh vẫn dẻo mà không bị lại gạo. Bánh luộc khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ thì chín rồi vớt ra để ráo nước. Lá cẩm không chỉ cho màu tím bắt mắt mà còn là phương pháp bảo quản tự nhiên không độc hại. Nếu đòn bánh tét thông thường chỉ để được 2, 3 ngày thì bánh tét lá cẩm có thể kéo dài 4, 5 ngày. Thậm chí nếu trời lạnh có thể để 7, 8 ngày mà bánh không hỏng. Ngoài ra còn có thể bảo quản bánh trong tủ lạnh, khi dùng chỉ cần đem hấp lại. Chính nhờ sự công phu, tỉ mỉ nên bánh tét lá cẩm Cần Thơ rất nổi tiếng. Hơn nữa, màu tím hồng tự nhiên của lá cẩm khiến chiếc bánh thêm sinh động, đẹp mắt. Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ khi ăn loại bánh tét đặc biệt này so với loại bánh tét truyền thống khác.
Du khách quốc tế khi dừng chân tại Việt Nam không chỉ bị mê mệt với danh lam thắng cảnh, con người thân thiện mà còn bởi những món ăn tuyệt ngon khó lòng cưỡng nổi. Trên đây là chia sẻ về những món ngon của các vùng miền khác nhau trải dài trên khắp đất nước Việt Nam, sẽ giúp du khách có thêm những lựa chọn tuyệt vời khi đến nơi đây.