Người ta nói, Hà Nội sẽ chẳng còn là Hà Nội nếu thiếu đi mùa Thu. Thu đến khoác trên mình tấm áo lụa đào trầm mặc trong một buổi chiều gió muộn, những ngày … xem thêm…nắng vàng e ấp chứ chẳng quá sôi nổi, gay gắt như mùa hè đổ lửa, cũng không lạnh nhạt, heo hắt như lúc đông sang. Mùa Thu Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của người nghệ sĩ. Và có những bài hát về mùa thu tưởng như đã cũ kỹ nhưng lại có sức mạnh làm mê đắm lòng người.
Nhớ mùa Thu Hà Nội – Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
“… Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội…”
“Nhớ mùa thu Hà Nội” là những rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy màu sắc của mùa thu Hà thành, là nỗi buồn man mác khi tình yêu giữa đất trời và con người vừa chớm nở đã phải chia xa
“Nhớ mùa thu Hà Nội” đẹp như một bức tranh, với những màu sắc chỉ riêng Hà Nội mới có để khoác lên mình trong cái tiết trời lãng mạn mùa thu, những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, mái ngói thâm nâu” và “mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua,.. khiến người ta tưởng nhớ về một Hà Nội dịu dàng đầy quyến rũ. Bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dưới sự thể hiện của ca sỹ Hồng Nhung dễ dàng làm mê đắm lòng người với những ca từ quen thuộc và thân thương nhất.
Hà Nội mùa Thu – Nhạc Sỹ Vũ Thanh
“…Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình…”
Đó là lời bài hát Hà Nội mùa Thu của nhạc sỹ Vũ Thanh, những ca từ đi vào lòng người bởi mùa thu Hà Nội trong những năm tháng cũ. Từng ca từ như thể hiện sức sống mãnh liệt của thủ đô trong những năm kháng chiến trường kỳ với những khó khăn, gian khổ nhưng Hà Nội “vẫn ngát xanh, xanh mùa thu” đến lay động lòng người. Dưới sự thể hiện của nữ ca sỹ Mỹ Linh, bài hát được ví như một cuốn giai thoại lịch sử về mùa thu Hà Nội trong lòng người.
Có phải em là mùa thu Hà Nội – Nhạc sỹ Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu
“… Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhi?
Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội?
Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm
Có phải em, mùa thu xưa?…”
Có phải em mùa Thu Hà Nội nguyên thủy là bài thơ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8/1970 tại Đà Nẵng, dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo lời thi sĩ kể lại, thời đó ông rất mê những cô gái Bắc di cư và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội như thế.
Những giai điệu ngọt ngào của Có phải em là mùa Thu Hà Nội đã từng làm say đắm biết bao thế hệ mê âm nhạc Việt Nam bởi những tình cảm xuất phát từ tận trái tim người nghệ sĩ sáng tác. Cứ mỗi độ thu về, ca khúc bất hủ này lại vang lên trong sự mê đắm của người yêu Hà Nội.
Hà Nội mùa lá bay – Nhạc sỹ Hữu Xuân
“… Mùa thu, xanh một trời Hà Nội
Em nghe thu hát ngang lưng trời
Từng con đường năm xưa
Lối ta đi qua những ngày thơ ấu…”
Mùa Thu Hà Nội mang đến những cơn gió heo may nhẹ nhàng, những làn sương khói giăng trên mặt nước Hồ Tây hay đơn giản đó chỉ là những con phố tràn ngập lá vàng rơi và đem theo cả những kỷ niệm thân thương của thời thơ ấu chợt hiện về.
Những ca từ trong bài hát Hà Nội mùa lá bay của nhạc sỹ Hữu Xuân đã lột tả hết những hoài niệm đó qua tiếng hát ấm áp của cố nghệ sỹ Ngọc Tân. Hình ảnh chàng trai đi tìm lại những ký ức của năm tháng cũ giữa mùa thu đất Thăng Long là một hình ảnh thật giản dị nhưng lại vô cùng lãng mạn, đặc biệt là chuyến hành trình đó được kể lại bởi những ca từ gần gũi chất chứa những kỷ niệm.
Nồng nàn Hà Nội – Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường
“… Đưa em đi qua thăng trầm, bao tháng năm đã úa màu
Gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh
Ngọt ngào hoa sữa thơm
Gọi mùa thu về thật lâu, để ta biết, nồng nàn…”
Nồng nàn Hà Nội có lẽ là bài hát “trẻ” mà hay nhất về Hà Nội trong những năm trở lại đây. Trẻ không chỉ bởi tác giả sáng tác khi đang còn là một cậu thanh niên mới ra trường mà còn trẻ bởi giai điệu của ca khúc và trẻ bởi hình ảnh của Hà Nội rất mới, rất hiện đại.
Nồng nàn Hà Nội là một trong những ca khúc được người trẻ rất yêu thích bởi những ca từ tươi trẻ đầy sức sống. Một Hà Nội “dịu dàng và đậm chất thơ” được tái hiện lại qua hình ảnh Hồ Gươm lung linh buổi chiều tà, các quán ăn ven đường tấp nập người qua lại, dòng người vội vã trên những con phố hay hương hoa sữa thơm nồng nàn vào mỗi mùa thu… Đó là những dư vị rất riêng của Hà Nội khiến cho bất kỳ ai từng đặt chân tới nơi đây vào mùa thu đều cảm thấy xao xuyến trước một vẻ đẹp thật bình yên và nhẹ nhàng.
Đoản khúc thu Hà Nội – Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
“Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em hay vì em
Hà Nội mùa thu Hà Nội gió
Xôn xao con đường xôn xao lá
Nhoà phố mong manh nhoè phố mưa
Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa
Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hồng má môi em hồng sóng xa
Vì một bàn tay không ngần ngại
Tặng hết cho tôi một phố chờ
Sẽ thêm một đời nhớ trăng Hà Nội Thu ơi!”
Là một trong hai sáng tác nổi tiếng viết về mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Đoản khúc thu Hà Nội” được sáng tác năm 1995 mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội.
Bài hát “Đoản khúc thu Hà Nội” có một vẻ lãng đãng rất Trịnh Công Sơn, với những câu hỏi đặt ra và những câu trả lời thường mang dáng vẻ …mơ hồ, nhưng chính cách sử dụng từ ngữ theo cách ấy làm cho ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn thường mang vẻ đẹp mong manh và …không thể nắm bắt.
Hoa sữa – Nhạc sỹ Hồng Đăng
“…Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
Có lẽ nào anh lại quên em”
Nhắc tới thu Hà Nội mà không nhắc tới hoa sữa thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Chẳng biết tại sao hay vì lý do gì mà dù hoa sữa có thể trồng ở bất cứ đâu (mà có lẽ ở nơi nào thì hoa cũng đều thơm như vậy cả) nhưng hoa sữa Hà Nội vẫn luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt, nếu không muốn nói là độc tôn. Bởi, mỗi khi “nghe” mùi hoa sữa, điều đầu tiên người ta nghĩ tới luôn là Hà Nội lúc sang thu, cũng giống như dù quen bao nhiêu người chăng nữa, vẫn chỉ có một mối tình khiến ta day dứt mãi không nguôi.
Ca khúc Hoa sữa với âm điệu du dương, man mác buồn quả thực dễ đi sâu vào lòng người, ca từ sâu lắng, da diết thể hiện nỗi nhớ nhung những kỉ niệm Hà Nội xưa cũ. Hoa sữa chẳng nở rực như phượng vào hè, cũng không tím đượm như bằng lăng, thế nhưng lại đem lại cảm xúc rất riêng mà không loài hoa nào có được. Hoa sữa lặng lẽ tỏa hương và cứ thế nhẹ nhàng bước vào những cuộc tình như một nhân chứng đặc biệt, để lại nhiều nhớ thương sâu sắc…
Chiều Hà Nội – Nhạc sỹ Vũ Quang Trung
“… Hà Nội trong mắt ai, hay chiều buông góc phố em
Nghe tiếng chuông ban chiều gọi…
Hà Nội trong mắt em, hay mùa thu tiếng lá rơi
Và em đến với tôi một chiều, chiều Hà Nội…”
Bản tình ca nổi tiếng Chiều Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Quang Trung đã đem đến cho người nghe những dư vị ngọt ngào của tình yêu với hình ảnh những chiếc lá vàng rơi đầy lãng mạn. Mùa thu đánh thức những khao khát yêu thương trong mỗi con người, khiến cho những trái tim đồng điệu hòa cùng nhịp đập. Không gì có thể diễn tả được vẻ đẹp của buổi chiều thu Hà Nội, khi những tia nắng dịu dàng của buổi cuối ngày chiếu rọi qua từng góc phố với tiếng chuông ban chiều ngân vang.
Bài hát Chiều Hà Nội ra đời vào năm 1993, khi ấy nhạc sĩ Vũ Quang Trung còn rất trẻ và anh đã gửi gắm vào trong từng câu hát cả tâm hồn lãng mạn của một chàng trai Hà thành. Những giai điệu tuyệt vời ấy đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục đem đến sự đắm say cho mùa thu Hà Nội và cho cả những người đang yêu.
Dù ngoài kia phố xá vẫn nhộn nhịp, xe cộ vẫn nườm nượp qua lại nhưng điều đó vẫn chẳng thể nào che giấu được nét duyên dáng, tinh khôi của trời thu: một chút lành lạnh, một chút heo may, một chút yên bình không bụi bặm, một chút tĩnh lặng chẳng ồn ào….Qua những tình khúc bất hủ của thu Hà Nội, nỗi nhớ về mùa thu ấy không chỉ trở nên da diết với mỗi người con chốn xa mà nó còn trở thành những hồi ức, những kỷ niệm với những con người nơi đây có biết bao hoài niệm. Những ai đã từng ở Hà Nội, chắc chắn khi nghe những giai điệu lời ca này vang lên sẽ muốn gác lại tất cả để tìm về với Hà Nội thân quen một thuở.